0  Bình luận

Nguyên nhân thứ hai của Trì hoãn: Nỗi sợ hãi

Rất nhiều lúc bạn có đam mê mạnh mẽ và quyết tâm cháy bỏng đạt được mục tiêu của mình. Nhưng bạn vẫn trì hoãn. Điều này do nguyên nhân gốc rễ thứ hai: Sự sợ hãi. Cái nguy hiểm là sự sợ hãi thường ẩn khuất trong tiềm thức của bạn. Bạn biết bạn cần hành động, nhưng nỗi sợ trong tiềm thức ngăn cản bạn. Vậy làm thế nào bạn tìm ra nỗi sợ gây ra sự trì hoãn của mình?

More...


Đây là phần 4 trong series 5 phần về làm sao ngừng trì hoãn được đăng tại blog Personal Excellence. Series này rất hay nên Tú dịch ra để chia sẻ với các bạn. Nếu bạn mới bắt đầu đọc series này, hãy đọc phần 1 trước.

Tú có chỉnh sửa một số phần trình bày để phù hợp hơn. Bạn có thể đọc bản gốc tại đây.

Nỗi sợ, nguyên nhân thứ hai của sự trì hoãn

Nỗi sợ là nguyên nhân cốt lõi thứ hai của sự trì hoãn. Mặc dù bạn có một đam mê để thực hiện việc gì đó, nếu bạn có một nỗi sợ mạnh mẽ hơn so với đam mê của mình, bạn vẫn sẽ trì hoãn. Nỗi sợ này có thể là bất kỳ điều gì - sợ đau đớn, sợ sự không chắc chắn, sợ khó khăn, sợ thiếu kiểm soát, sợ thiếu khả năng, và sợ bị bỏ rơi.

Điều này nghe có thể kỳ lạ, nhưng nếu như bạn xem xét lại các khía cạnh trong cuộc sống của mình mà bạn đang trì hoãn cho đến ngày hôm nay (thậm chí mặc dù bạn rất muốn thực hiện chúng), rất có khả năng nguyên nhân liên quan tới một nỗi sợ nhất định. Điều này đặc biệt phổ biến được với những người cầu toàn, hỏi chị hoảng vì họ sợ tạo ra một cái gì đó “ít hoàn hảo hơn” so với mình tưởng tượng, từ đó ảnh hưởng đến hình ảnh lý tưởng của bản thân mình trong họ. 

Khi bạn tránh né công việc vì sợ hãi

Hãy lấy ví dụ về Tim, một cá nhân giàu động lực, giỏi giang và thích công việc của mình. Anh có deadline cho một công việc mà anh đang trì hoãn.

Nếu chúng ta hỏi Tim tại sao anh tránh né công việc này, câu trả lời đầu tiên của anh ấy có thể là “Bởi vì tôi không muốn làm nó”. Thăm dò sâu hơn, ta phát hiện ra bởi vì anh ấy khiếp sợ công việc này. Hỏi nhiều hơn nữa, anh ấy tiếp lộ rằng công việc này quá mức anh ấy có thể xoay xở được. 

Trong khi câu trả lời đang dần được hé lộ, đây vẫn chưa phải là lý do thực sự. Có rất nhiều người phải đối diện với sự quá tải trong công việc, nhưng không phải ai cũng phản ứng bằng cách trì hoãn. Tại sao Tim lại trì hoãn khi có quá nhiều công việc như vậy?

Nếu chúng ta đào sâu hơn, chúng ta có thể tìm ra rằng sự trì hoãn này là do sự mất kiểm soát khi quá tải. Anh ấy sợ bị mất kiểm soát bởi vì việc không thể điều khiển được mọi thứ khiến anh ấy cảm giác lòng tự tôn bị hạ thấp. Sự trì hoãn của Tim là nỗ lực của anh trong việc tránh đi cảm giác vô dụng và bất tài.

Tương tự như vậy, rất nhiều trường hợp của sự trì hoãn gây ra bởi một nỗi sợ hoặc nhiều nỗi sợ nhất định.

Sự trì hoãn của tôi với việc diễn thuyết

Ghi chú: Đây là những trải nghiệm của tác giả bài viết (Celestine Chua), không phải của người dịch (Tú).

Tôi trì hoãn

Ba tháng sau khi tôi bắt đầu khởi nghiệp, tôi bắt đầu nhận được những lời mời đến diễn thuyết. Tôi hứng khởi mỗi khi điều đó xảy đến, bởi đó có nghĩa là chạm đến được những khách hàng mới. Tuy nhiên, tôi nhận ra mình trì hoãn công việc chuẩn bị (tạo slide, luyện nói) cho đến một ngày trước buổi nói chuyện hay thậm chí vào chính ngày hôm đó, dù rằng tôi rất muốn chuẩn bị một tuần trước đó.

Mặc dù tôi luôn hoàn thành việc chuẩn bị đúng thời gian đề diễn thuyết suôn sẻ, sự trì hoãn này của tôi là một vấn đề lớn vì nhiều lý do:

  1. Đúng là mọi chuyện vẫn ổn, nhưng lẽ ra nó có thể tốt hơn nếu tôi dành nhiều thời gian hơn trong việc chuẩn bị như tôi đã dự tính trước đó.
  2. Việc tiếp xúc với khán giả là một cơ hội để tôi chia sẻ thông điệp của mình. Không làm hết sức mình có nghĩa là tôi có thể lỡ mất một cơ hội để biến đổi một ai đó trên hành trình phát triển của họ.
  3. Cả một quá trình trì hoãn, stress về công việc, và tạo ra một kết quả kém hơn so với khả năng của mình làm tôi mệt mỏi.

Đi tìm nguyên nhân của sự trì hoãn

Lần đầu điều này xảy ra, tôi nghĩ là do việc quản lý thời gian kém cỏi. Khi nó lặp lại một lần nữa, tôi nghi ngờ rằng có một điều gì khác đang xảy ra. Rồi nó xảy đến lần thứ ba, lần thứ tư, và lần thứ n. Khi đó, rõ ràng là có một mô thức đang diễn ra và tôi cần phải biết được nguyên nhân gốc rễ của nó.

Tôi đào sâu và tự vấn bản thân mình tại sao điều này xảy ra. Có phải tôi tránh né công việc này vì thiếu đam mê? Chắc chắn không. Tôi luôn luôn hăng hái khi có cơ hội diễn thuyết mới. Nó tượng trưng cho cơ hội quảng bá và khả năng chạm đến người khác. Nó là một phần trong tầm nhìn dài hạn của tôi để giúp mọi người phát triển và kết nối thế giới lại làm một.

Vậy nên tôi tự hỏi: “Tại sao tôi lại trì hoãn việc chuẩn bị bài diễn thuyết sắp tới của mình?”

Câu trả lời ngay lập tức là “Tôi không cảm giác muốn làm nó.” Một phản xạ đầu tiên tự nhiên  với mỗi bài tập tự vấn.

Tôi hỏi lại: “Tại sao tôi không cảm giác muốn làm nó?”

Những câu trả lời mới mở ra. “Có quá nhiều việc cần phải làm”, “Quá áp lực” và “Nó tốn quá nhiều thời gian”. Trong tâm trí mình, tôi vô thức vẽ ra một quá trình chuẩn bị công phu. Tôi hình dung mình tuyệt vời như những diễn giả hàng đầu kiểu Les Brown hay Barack Obama, nhưng tôi cách quá xa đẳng cấp đó. Vì vậy, tôi cảm thấy rằng mình phải chuẩn bị rất nhiều và rất nhiều và rất nhiều. 

Câu hỏi tiếp theo của tôi là: “Tại sao đó lại là vấn đề? Chuyện gì xảy ra khi có nhiều việc cần làm như vậy - Tại sao lại trì hoãn?”

Một giọng nói trong đầu tôi lên tiếng. “Bởi vì nó làm tôi cảm giác mất quyền điều khiển.

Thú vị đấy. Tôi ngạc nhiên và đẩy xa hơn: “Tại sao có quyền điều khiển lại quan trọng?”

Bởi vì nếu tôi không điều khiển được, nó có nghĩa là tôi không được giỏi. Tôi bất tài.

Nhận thức nguyên nhân gốc rễ trong bản thân

Tôi bừng nhận thức được chuyện gì đang xảy ra.

Bởi vì a) một phần trong tôi kết nối giá trị bản thân mình với khả năng diễn thuyết, và b) tôi không giỏi diễn thuyết so với hình ảnh lý tưởng của tôi để bản thân mình, tôi đã tự hạ thấp giá trị bản thân. Vì vậy, bất kỳ tình huống nào nhắc nhở tôi về sự thiếu chuyên môn trong diễn thuyết của mình sẽ làm tôi cảm giác tệ hại. Và rồi tôi trì hoãn việc chuẩn bị bài nói chuyện của mình.

Nói tóm lại, sự trì hoãn của tôi là do nỗi sợ bản thân mình không có giá trị. 

Câu trả lời này làm tôi hết sức ngạc nhiên bởi vì tôi không đánh giá giá trị của một người bằng khả năng của họ trong việc nào đó. Chỉ bởi vì họ mới bắt đầu trên hành trình nào đó không có nghĩa là họ vô giá trị. Tương tự, chỉ vì một ai đó là một chuyên gia không có nghĩa là họ có giá trị hơn người khác.

Giá trị cá nhân của mỗi người là như nhau, cho dù họ là ai và kỹ năng của họ tốt như thế nào. 

Hơn nữa, tôi luôn tha thiết trở thành một diễn giả tài ba. Tôi biết rằng để trở nên giỏi hơn, tôi phải bắt đầu từ đâu đó, như tất cả các chuyên gia khác. Tôi chắc chắn không kỳ vọng trở nên giỏi hơn bằng cách tránh né diễn thuyết. Đây là những điều tôi đều hiểu ở tầng ý thức.

Điều chỉnh nhận thức về nỗi sợ

Thế nhưng, một phần trong tiềm thức của tôi lại có một khái niệm sai lệch, có thể đã bị định hình từ bé. Nhận ra điều này là một sự giải phóng. Khi tìm ra nỗi sợ của mình, tôi có thể ngay lập tức nhận ra những suy nghĩ của mình ngớ ngẩn thế nào.

Khi bạn tìm ra những lý do thực sự gây ra sự trì hoãn của mình, bạn sẽ nhận ra nó thường là kết quả của những niềm tin ngốc nghếch, sai lầm. Sự trì hoãn thường là do 1-2 niềm tin tệ hại được hình thành khi mình còn bé, rồi nhân rộng và gây ra những ảnh hưởng tiêu cực trong đời sống của bạn.

Sau khi khám phá được nỗi sợ tận sâu của tôi, tôi đã có thể ngay lập tức điều chỉnh nhận thức sai lệch và giải quyết sự thiếu đồng nhất nội tại này. Vấn đề của tôi là tôi đã không biết rằng mình suy nghĩ như thế này trong tiềm thức, và bằng cách khám phá ra nỗi sợ trong tiềm tức của mình, tôi ngay lập tức có thể chỉnh sửa nó từ bên trong.

Phần cuối

Trong phần cuối, tôi sẽ chia sẻ làm thế nào để ngưng trì hoãn qua một bài tập xem xét nội tâm.

Hãy đọc Phần 5: Làm sao để ngừng trì hoãn

Đây là phần 4 trong series 5 phần về làm sao ngừng trì hoãn. Nếu bạn mới bắt đầu, hãy đọc phần 1 trước.


Có thể bạn thích:

{"email":"Email address invalid","url":"Website address invalid","required":"Required field missing"}

Vòng Tròn Cuộc Sống


Nhận NGAY quà tặng dành cho bạn

Đánh giá hiện trạng và lên kế hoạch cho cuộc đời mình.

>