1  Bình luận

5 phương pháp quản lý chi tiêu cá nhân

Trong bài viết này, Tú sẽ giới thiệu đến bạn 5 phương pháp quản lý chi tiêu cá nhân phổ biến cho người mới bắt đầu. Và làm thế nào bạn chọn được phương pháp phù hợp nhất cho mình. Bắt đầu nào!

More...

Quản lý chi tiêu là gì? 

Quản lý chi tiêu cơ bản là biết cách làm gì với tiền của mình khi bạn nhận được. Đây là bước vô cùng quan trọng trên hành trình đến với độc lập và tự do tài chính. 

Bạn biết cách quản lý tiền bạc càng sớm, bạn càng ít bị áp lực với tiền bạc. Hơn thế nữa, hiểu được cách quản lý chi tiêu hiệu quả với bản thân, càng giúp cho tiền bạc thành bệ phóng cho cuộc sống mà bạn muốn xây dựng, thay vì kiềm hãm.

Tiếc là 20 năm đi học chúng ta lại không được rèn dũa cho kĩ năng về tiền bạc. Thôi thì chậm còn hơn không, đúng không nào?!

Đánh giá các cách thức quản lý tiền bạc như thế nào

Trên thế giới có rất nhiều phương pháp quản lý tiền bạc khác nhau. Vì sao ư? Vì mỗi người có nhu cầu và tính cách khác nhau, nên sẽ chọn phương pháp phù hợp nhất với mình.

Tú sẽ giới thiệu đến bạn 4+1 phương pháp dễ bắt đầu nhất nhé.

Ở mỗi phương pháp, Tú sẽ giới thiệu chung về cách sử dụng (nếu bạn muốn tìm hiểu cụ thể về phương pháp nào, hãy bình luận bên dưới nhé!).

Sau đó, Tú sẽ chia sẻ đánh giá (chủ quan) của mình về phương pháp đó trên 5 tiêu chí mà Tú tin là rất quan trọng để lựa chọn:

  • Dễ sử dụng: Phương pháp có dễ hiểu không? Dễ thiết lập và ứng dụng vào cuộc sống mỗi ngày không?
  • Ít công sức: Bạn có cần nhiều thời gian mỗi ngày để sử dụng phương pháp đó hay không?
  • Bảo vệ tốt: Phương pháp có bảo vệ cho bạn về mặt tài chính trong những tình huống khẩn cấp, không may hay không?
  • Chi tiêu thoải mái: Phương pháp có làm bạn cảm thấy thoải mái khi chi tiêu hay không? Hay phải tự dùng ý chí để kiềm chế bản thân?
  • Tăng trưởng thu nhập: Phương pháp có giúp bạn tăng nguồn tiền mình đang có hay không? Có giúp bạn định hướng đến độc lập và tự do tài chính hay không?

Rồi hen. Bắt đầu nào!

5 PHƯƠNG PHÁP QUẢN LÝ CHI TIÊU HIỆU QUẢ

1) Pay yourself first (Trả tiền cho mình trước)

Phương pháp quản lý chi tiêu: Pay Yourself First

Nghe tên là biết rồi hen. Rất phù hợp cho các bạn vô cùng ngại quản lý tiền luôn.

Ở phương pháp này, đơn giản là mỗi khi nhận được một khoản thu nhập, bạn sẽ trích ra một số tiền (khuyến khích là tối thiểu 10% nhé) cho vào quỹ tiết kiệm. Đây chính là trả tiền cho bản thân mình trước đó.

Số tiền còn lại trong tài khoản chi tiêu bạn cứ thoải mái chi thôi. Vì bạn biết bạn luôn có tiền trong túi rồi (link bài viết trước).

Đánh giá của Tú

Dễ sử dụng

Ít công sức

Bảo vệ tốt

Chi tiêu thoải mái

Tăng trưởng thu nhập

Đây có thể coi là phương pháp đơn giản nhất luôn. Ai cũng nên sử dụng, thậm chí nếu bạn không quan tâm về quản lý tiền bạc.

Rất đơn giản, dễ sử dụng, tốn ít thời gian (đầu tháng bạn chuyển tiền vào tài khoản tiết kiệm 1 phát là xong!). 

Điểm trừ duy nhất là bạn không đầu tư gì cho tương lai cả. Có nghĩa là bạn sẽ chỉ đủ tiền như vậy thôi, không hơn không kém.

2) Quy tắc 50/30/20

Phương pháp quản lý chi tiêu: Quy tắc 50/30/20

Đây chắc là phương pháp nổi tiếng nhất về quản lý chi tiêu cho người mới bắt đầu. Về cơ bản, khi có thu nhập bạn sẽ chia thành 3 khoản với tỷ lệ như sau:

  • 50% cho chi tiêu thiết yếu: những khoản chi phí sống bắt buộc như tiền nhà, tiền ăn uống, đi lại, điện nước,...
  • 30% cho các chi tiêu mong muốn: giải trí, gặp gỡ bạn bè, du lịch, mua sắm...
  • 20% cho tiết kiệm (và trả nợ)

Đánh giá của Tú

Dễ sử dụng

Ít công sức

Bảo vệ tốt

Chi tiêu thoải mái

Tăng trưởng thu nhập

Đây là một phương pháp tốt. Chính vì vậy nên nó phổ biến. Các khoản khá là dễ nhớ và có thể áp dụng được ngay. Bạn còn có một khoản ăn chơi mỗi tháng guilty-free (không tội lỗi) nữa. 

Tương tự phương pháp Pay yourself first, phương pháp này không ưu tiên việc phát triển nguồn tiền của bạn, chỉ duy trì hiện trạng và bảo vệ bạn thôi. 

Với cả nếu có lúc bất cập bạn cần chi nhiều hơn 50% cho chi tiêu thiết yếu thì phải hiệu chỉnh cũng hơi mất công tẹo. Nhưng nhìn chung đây là phương pháp hay (Tú cũng bắt đầu với phương pháp này đó)!

3) Phương pháp bìa thư

Phương pháp quản lý chi tiêu: Quy tắc bìa thư

Nếu bạn cần một phương pháp cứng rắn để quản lý tiền bạc, phương pháp bìa thư là dành cho bạn. 

Đây là một phương pháp sử dụng tiền mặt. CHỈ dùng tiền mặt, và các bìa thư giấy thật. Cách thực hiện như sau:

  • Bạn liệt kê những khoản chi tiêu quan trọng trong mỗi tháng và đặt ngân sách cho chúng. (Ví dụ: ăn uống 3tr, nhà cửa 3tr, giải trí 1tr,...) Mỗi khoản chi này là một bìa thư.
  • Khi nhận được thu nhập, RÚT TIỀN MẶT và chia số tiền vào từng bìa thư.
  • Khi chi cho khoản nào, bạn dùng tiền của bìa thư đó.
  • Khi bìa thư đã hết, bạn KHÔNG ĐƯỢC PHÉP chi cho khoản đó trong tháng đó nữa. Cho đến khi nhận được thu nhập tiếp theo.

Đánh giá của Tú

Dễ sử dụng

Ít công sức

Bảo vệ tốt

Chi tiêu thoải mái

Tăng trưởng thu nhập

Phương pháp này nghe sợ hen. Thú thật là Tú đã bỏ cuộc sau một tháng thử nghiệm. Đơn giản là cầm một đống tiền mặt đi lòng vòng là không dễ với Tú (nhưng có thể dễ với người khác). 

Nhưng việc bắt buộc phải dùng tiền mặt và chỉ được dùng cho mỗi bìa thư lại vô cùng tuyệt vời để rèn dũa bản thân chi xài đàng hoàng hơn. Nhất là với những người hay “vung tay quá trán” hoặc đang mang nợ.

Phương pháp này giúp cho bạn tiết kiệm tiền rất nhanh và trả nợ rất lẹ luôn đó.

4) Phương pháp 6 lọ

Phương pháp quản lý chi tiêu: Phương pháp 6 lọ

Đây là phương pháp của T. Harv Eker trong quyển sách “BÍ mật tư duy triệu phú”. Ở phương pháp này, bạn sẽ chia thu nhập của mình thành 6 khoản:

  • NEC (Lọ nhu yếu phẩm) 55%: cho những chi tiêu thiết yếu
  • PLAY (Lọ ăn chơi) 10%: Để thoả mãn các thú vui của bản thân 
  • EDU (Lọ giáo dục) 10%: Để phát triển kiến thức, kỹ năng và tư duy của bạn
  • GIV (Lọ cho đi) 5%: Để bạn làm từ thiện, giúp đỡ những người xung quanh
  • LTSS (Lọ tiết kiệm để chi tiêu tương lai) 10%: Tiết kiệm tiền cho những khoản chi lớn như du lịch nước ngoài, mua nhà mua xe, kết hôn, sinh con,...
  • FFA (Lọ tự do tài chính) 10%: Để đầu tư, kinh doanh, phát triển nguồn tiền của mình

Đánh giá của Tú

Dễ sử dụng

Ít công sức

Bảo vệ tốt

Chi tiêu thoải mái

Tăng trưởng thu nhập

Cái hay nhất của phương pháp này là bạn có để ra một khoản để tăng trưởng thu nhập mà không đụng chạm gì đến cuộc sống hiện tại của bạn. Hệ thống 6 lọ cũng chia ra rất rõ ràng cho những khoản chi tiêu cần thiết. 

Cái khó khi áp dụng phương pháp này (ít nhất là với Tú) là bạn phải theo dõi khá tỉ mỉ để biết mình có đang chi trong giới hạn hay không. Và vì có nhiều như vậy nên đôi khi cũng hơi… lộn xộn.

Nhưng Tú đã sử dụng hệ thống này hơn cả năm trời, nên tất nhiên với Tú nó là một phương pháp rất tốt.

4) Phương pháp của Tú

Như có chia sẻ, từ ngày ra trường, Tú đã tìm kiếm một hệ thống quản lý chi tiêu cho mình. Tú đã thử cả 50/30/20, 6 lọ và pay yourself first. Cuối cùng thì thêm mắm thêm muối và ra một hệ thống của riêng mình để sử dụng.

(À, Tú chưa biết để tên phương pháp này là gì. Bạn có gợi ý gì không?)

Về cơ bản bạn sẽ chia thu nhập của mình thành 3 khoản:

  • 10% tiết kiệm: Tập trung vào quỹ khẩn cấp trước, rồi đến các tiết kiệm dài hạn khác
  • 20% phát triển: Tập trung vào việc phát triển kỹ năng, mối quan hệ (để tăng giá trị bản thân), và các cơ hội kinh doanh/ đầu tư để tăng trưởng thu nhập
  • 70% chi tiêu: Để chi tiêu cho cuộc sống hằng ngày (bao gồm cả tiền ăn chơi, giải trí…)

Đánh giá của Tú (vô cùng chủ quan)

Dễ sử dụng

Ít công sức

Bảo vệ tốt

Chi tiêu thoải mái

Tăng trưởng thu nhập

Là mẹ tất nhiên khen con của mình rồi!

Một trong những điều Tú thích là bạn không cần phải theo dõi chi tiêu hằng ngày nè. Các khoản rõ ràng VÀ bạn không lo cho cuộc sống hiện tại trong khi vẫn tăng trưởng thu nhập của bạn. Chi tiêu cũng thoải mái vì bạn không phải chia ra quá nhiều khoản nhỏ. Thôi không khen nữa đâu ?

Hạn chế là bạn cần thiết lập lên đúng lúc ban đầu. Xong rồi thì cứ thế mà xài thôi. Yeah!

Biểu mẫu quản lý chi tiêu cá nhân

Bạn muốn thử bắt đầu phương pháp này? 

Phương pháp quản lý chi tiêu nào phù hợp nhất với bạn?

Làm gì cũng vậy, bạn cần hiểu được bản chất của mỗi lựa chọn, và xem cái nào phù hợp với tính cách, mục tiêu và thói quen của mình.

Nếu khi đọc 5 phương pháp trên, có phương pháp nào bạn thấy “À cái này có vẻ thú vị nè”, thì hãy thử phương pháp đó trước.

Nếu chưa có, thì hãy nghĩ xem mục tiêu và tính cách của bạn như thế nào, để lựa chọn. Ví dụ nhé:

  • Bạn có thu nhập ổn định, sống thoải mái, chỉ có nhu cầu tận hưởng, không muốn quan tâm chuyện tiền bạc nhiều? => pay yourself first quá phù hợp
  • Bạn lười, ngại tính toán mỗi ngày? => Chọn những phương pháp không cần ghi chép chi tiêu mỗi ngày (như Pay yourself first, 50/30/20, hay phương pháp của Tú)
  • Bạn đang mắc nợ, đặc biệt là nợ tín dụng? => Phương pháp bìa thư luôn là cứu cánh tốt
  • Bạn mới bắt đầu, đang muốn xây dựng tài chính độc lập, để tiền bạc không còn là gánh nặng? => chọn những phương pháp có giúp bạn tăng trưởng thu nhập
  • Bạn không biết chọn cái nào? => Chọn Tú nhaaa! (Hoặc 50/30/20 cũng rất dễ thực hiện)
Có quản lý chi tiêu, dù theo bất kì phương pháp nào, vẫn tốt hơn là không quản lý. Vậy nên hãy chọn một phương pháp và tiến hành thôi.

Đến lượt bạn

Bạn sử dụng phương pháp nào để quản lý chi tiêu?


Có thể bạn thích:

  • {"email":"Email address invalid","url":"Website address invalid","required":"Required field missing"}

    Vòng Tròn Cuộc Sống


    Nhận NGAY quà tặng dành cho bạn

    Đánh giá hiện trạng và lên kế hoạch cho cuộc đời mình.

    >