0  Bình luận

Top 5 sách quản lý tài chính cá nhân cho người mới bắt đầu

Trong bài viết này, Tú sẽ giới thiệu đến bạn những quyển sách quản lý tài chính cá nhân mà Tú tâm đắc nhất trên hành trình xây dựng độc lập tài chính cho bản thân mình.

Nếu bạn là một người mới bắt đầu trong việc quản lý tài chính, Tú tin rằng bạn sẽ tìm được quyển sách hữu ích cho mình.

Những cuốn sách này đều rất thực tế, dễ đọc và dễ áp dụng. Hứa đó!

Giờ thì, bắt đầu thôi.

More...

Những quyển sách quản lý tài chính cá nhân hay nhất

Khi mới bắt đầu tìm hiểu một điều gì, Tú thường tìm tới sách. Sách là nơi có nguồn thông tin được sàng lọc (tới một mức độ nhất định), thảo luận vấn đề sâu. Hơn nữa, số tiền đầu tư vô cùng hợp lý.

Nếu bạn có thể bỏ 120k cho một tấm vé xem phim ở CGV, Tú không thấy lý do tại sao bạn không thể mua sách.

Trong tài chính cá nhân cũng vậy, khi mới bắt đầu, Tú cũng đã tìm đọc khá nhiều sách (bên cạnh những nguồn thông tin khác). Có một số bài học rất quan trọng được lặp đi lặp lại trong các cuốn sách này.

Dưới đây là những cuốn sách Tú thích nhất. Chúng khá dễ đọc, thực tế (dù có những cuốn viết từ thế kỉ trước!), và dễ áp dụng.

Click vào hình từng quyển sách để xem nhận xét của Tú về chúng. Hi vọng giúp bạn tìm được quyển sách quản lý tài chính cá nhân hữu ích nhất cho mình nhé!

Người giàu có nhất thành babylon

George S. Clason
Cha giàu cha nghèo

Cha giàu cha nghèo

Robert Kiyosaki
Bí quyết tay trắng thành triệu phú

Bí quyết tay trắng thành triệu phú

Adam Khoo

Đánh giá từng cuốn sách tài chính cá nhân

Ở đây, Tú sẽ không tiết lộ nhiều về nội dung cuốn sách. Để dành cho bạn tự khám phá đó. 

Tú sẽ chia sẻ những điều Tú thấy ổn trong từng cuốn sách này. Những điều có thể làm bạn ‘ít thích’ nó. Và đánh giá tổng quan của Tú về lợi ích của cuốn sách trong việc xây dựng tài chính cá nhân của bạn nhé.

Tất nhiên, đây là góc nhìn của Tú. Cách tốt nhất để bạn tìm hiểu là tự trải nghiệm, nhaaa.

1. Người Giàu Có Nhất Thành Babylon (George S. Classon)

Thích

  • Vừa đủ mỏng để đọc, đặc biệt là với những người không hay đọc sách
  • Kiến thức trình bày theo dạng từng câu chuyện nhỏ, vậy nên bạn nào thích nghe kể chuyện thì rất hợp nha (hoặc đọc cho em/con mình nghe cũng tốt)
  • Những bài học trong sách có thể coi là các bài học trường tồn trong mọi thời đại về tiền bạc, là nền tảng rất tốt cho người mới bắt đầu
  • Nội dung dễ hiểu, nhẹ nhàng, dễ thấm

Không thích lắm

  • Vì là dạng câu chuyện nên bạn cần tự suy luận ra cách áp dụng vào thực tế dựa trên các nguyên tắc đã học
  • Sách viết vào năm 1926, nên các ví dụ trong câu chuyện xoay quanh lạc đà, nô lệ, và tiền vàng. Vậy nên, bạn không có gợi ý hay biểu mẫu để áp dụng cho thời đại ngày nay.
  • Bản tiếng Anh đọc rất “ngứa”, vì sách dùng nhiều từ vựng cổ (ví dụ như “thy” thay vì “your”). Nên Tú khuyên bạn đọc sách Tiếng Việt cho dễ chịu?

Đánh giá chung:

Bạn biết chuyện ngụ ngôn Bẻ bó đũa (phiên bản gốc nha) dạy chúng ta phải biết đoàn kết không? Nếu bạn thích dạng bài học qua các câu chuyện thì quyển sách này vô cùng hợp với bạn.

Tú thích cuốn sách này vì những bài học rất nhẹ nhàng, mà vô cùng thực tế, áp dụng được cho cả thời hiện đại. Ví dụ như, có nên cho người thân mượn tiền hay không? Làm sao biết một thương vụ đầu tư là tốt? Và nhiều nhiều nữa.

Vậy nên, nếu bạn không hay đọc sách, không thích “giáo điều”, thì đây là sẽ một quyển sách rất hữu ích để bạn tìm hiểu về quản lý tài chính cá nhân.

2. Cha Giàu Cha Nghèo (Robert Kiyosaki) - Bộ sách "Dạy con làm giàu"

Thích

  • Trọn bộ 13 cuốn (Dạy con làm giàu), gần như vấn đề gì về tiền cũng có nói tới, tha hồ mà đọc:))
  • Tác giả là người có kinh nghiệm, và có tầm. Bạn sẽ học được những điều hiếm nghe thấy trong các cuốn sách tài chính cá nhân đại trà
  • Quan điểm của bộ sách tập trung vào hiểu rõ trò chơi tiền bạc, cách dòng tiền vận hành trong xã hội, và làm sao để bạn tự do tài chính. Góc nhìn rất rộng và sâu
  • “Kim tứ đồ” (cashflow quadrant) thật sự là một khái niệm xuất sắc để bạn nắm được tổng quan của cách tăng trưởng và bảo vệ thu nhập thời hiện đại của những nhóm người khác nhau
  • Robert cũng là tác giả của bộ trò chơi Cashflow, nên đọc sách rồi chơi game (không đọc cũng chơi được, nhưng không “sướng” bằng) thì vui lắm
  • Sách kết hợp giữa chuyện kể tự người cha giàu, kinh nghiệm của chính tác giả đến hiện trạng trong xã hội, nên không quá nặng về lý thuyết mà vẫn giữ được sự đồng cảm qua các câu chuyện

Không thích lắm

  • Trọn bộ 13 cuốn, cũng không dễ “tiêu hoá” hết nha
  • Cần rất nhiều thời gian để ngấm những kiến thức trong sách (ít nhất là với Tú). Đôi khi đọc xong một đoạn rồi... chưa hiểu gì hết
  • Cha giàu đến nay vẫn là một “truyền thuyết”, nhiều người nói rằng chỉ là một nhân vật giả tưởng. Vậy nên một số yếu tố trong sách vẫn có vẻ… ảo ảo
  • Nội dung thiên về nguyên tắc, tư duy hơn là chiến lược cụ thể để hành động
  • Tác giả người Mỹ, bối cảnh quyển sách dành cho độc giả Mỹ nên có nhiều điều bạn cần tự suy luận về bối cảnh của mình

Đánh giá chung:

Bộ sách này (thật ra là 13 cuốn riêng biệt, nhưng bản Tiếng Việt được đưa về thành một bộ Dạy con làm giàu) đã cho Tú nhiều suy ngẫm khi đọc. Thông thường, các quyển sách về tài chính cá nhân hay đứng về góc độ cá nhân để nói. Tức là bạn tiết kiệm thế này, chi tiêu thế này, kiếm tiền thế này này.

Cuốn sách này thì đặt góc nhìn theo dạng xã hội đang quay quanh tiền bạc thế nào, những người khác nhau đang chọn vị trí khác nhau trong trò chơi tài chính ra sao. Mối tương quan giữa người tiêu dùng, ngân hàng, công ty, và nhà đầu tư cũng trở nên rõ ràng hơn sau khi đọc sách.

Cũng chính vì vậy, mà sách hơi giống… sách giáo khoa (đọc xong thấy có nhiều kiến thức nhưng chưa biết làm gì?) Bạn phải tự tìm hướng đi cho mình dựa trên cái nhìn sáng suốt hơn từ nội dung của sách.

Nếu bạn muốn tìm một quyển sách để nhâm nhi từ từ, hoặc muốn tìm một góc nhìn mới để đưa ra quyết định cho tài chính cá nhân mình, bộ sách này là một lựa chọn hợp lý. 

Nếu bạn quá lười với 13 cuốn, hãy chọn Tập 1 Rich Dad Poor Dad (Cha giàu cha nghèo) và tập 2 The Cashflow Quadrant (Sử dụng đồng vốn).

3. Bí Quyết Tay Trắng Thành Triệu Phú (Adam Khoo)

Thích

  • Tác giả là người Châu Á, và cùng thời với chúng ta, nên ngôn từ và ví dụ rất “thức thời” và dễ hiểu
  • Có nhiều bài tập để bạn làm theo khi đọc
  • Cách quản lý tài chính của tác giả rất toàn diện, phù hợp với người mới bắt đầu
  • Lộ trình thực hiện nhìn chung là rõ ràng, định hướng toàn diện cho chiến lược tài chính của bạn
  • Kết hợp tốt giữa tư duy và chiến lược hành động
  • Tác giả là người giỏi tổng hợp thông tin và diễn giải, nên sách viết rất logic, dễ hiểu và dễ theo

Không thích lắm

  • Nội dung hơi dàn trải. Mỗi thứ đề cập một chút nhưng không thật sự quá sâu về một mảng nào (Có thể vì tác giả muốn truyền tải nhiều kiến thức nhất có thể để người đọc có được cái nhìn tổng quát nhất)
  • Bạn cần có kiến thức nền về tài chính cũng như kinh doanh, đầu tư để thật sự “thấm sâu” được toàn bộ ý tưởng quyển sách này
  • Vì 2 lý do trên, bạn có thể hơi “ngộp” vì lượng thông tin và những điều cần làm khi lần đầu đọc. Nhưng nó vẫn thật sự rất tốt cho những người mới bắt đầu.

Đánh giá chung:

Không riêng gì “Bí quyết tay trắng trở thành triệu phú”, Tú thích gần như tất cả sách của Adam Khoo. Anh là một người có logic tốt, và biết cách tổng hợp kiến thức từ nhiều nguồn, cùng với trải nghiệm của chính mình để đưa ra các bài học và bài tập thực tế cho người đọc.

Mỗi cuốn sách như một giáo trình vậy. Đọc và áp dụng ngay lập tức.

Nếu bạn là người thích học tập bài bản, không ngại vừa đọc sách vừa làm, và thích hành động dựa trên kiến thức logic toàn diện, đây sẽ là cuốn sách dành cho bạn.

Tổng kết: Nên chọn cuốn sách tài chính cá nhân nào?

Thật ra khó mà nói bạn nên chọn một cuốn sách tài chính cá nhân nào để có cái nhìn trọn vẹn. Mỗi quyển sách chia sẻ quan điểm của tác giả dựa trên kinh nghiệm và kiến thức đã trải qua.

Và cách tốt nhất để bạn đến “gần với sự thật” nhất là hiểu góc nhìn của nhiều người khác nhau và tìm điểm chung từ đó.

Bên cạnh đó, quan trọng nhất trong quản lý tài chính không phải là “bạn biết gì” mà là “bạn làm gì”. Bạn chỉ cần rút ra 1 bài học từ cuốn sách mình đọc, và HÀNH ĐỘNG theo đó, Tú tin kết quả sẽ cải thiện nhiều.

Đừng chỉ đọc rồi gật gù rồi thôi, nhaaaa.

Cuốn sách quản lý tài chính cá nhân mà bạn tâm đắc nhất là gì?

Chia sẻ cho Tú và mọi người nhé!


Có thể bạn thích:

{"email":"Email address invalid","url":"Website address invalid","required":"Required field missing"}

Vòng Tròn Cuộc Sống


Nhận NGAY quà tặng dành cho bạn

Đánh giá hiện trạng và lên kế hoạch cho cuộc đời mình.

>