0  Bình luận

10 chiến lược để đọc nhiều sách hơn

Dù là đắm chìm bản thân trong thế giới truyện chữ huyền ảo hay tiêu hoá ý tưởng trong một cuốn sách non-fiction, đọc sách là một trong những cách ý nghĩa nhất để một ngày trôi qua trọn vẹn và kích hoạt tư duy của bạn. Nó cũng là một trong những cách tốt nhất để tạm thoát khỏi những lo lắng thường nhật - ngay trong không gian thoải mái của bạn.

Rất nhiều người muốn đọc nhiều sách hơn, những lại không chắc phải bắt đầu thế nào. Bên dưới là 10 ý tưởng hiệu quả mà bạn có thể thử nhé!

More...

1. Thiết lập một thời gian cụ thể để đọc sách

Hãy tìm hiểu làm thế nào sắp xếp việc đọc vào trong thời gian biểu một ngày của bạn. Có thể là vào buổi sáng khi bạn đang nhẹ nhàng bên ly cà phê, hay lúc vừa đến công ty trước khi bắt đầu một ngày làm việc. Cũng có thể là vào giờ trưa nghỉ ngơi, hay chút thư giãn trước khi đi ngủ.

Đọc sách cũng là một cách tuyệt vời để chuyển tiếp giữa ngày làm việc (hoặc học tập) với thời gian cá nhân. Vậy nên, hãy nghĩ xem bạn thường dành thời gian trong ngày như thế nào và làm thế nào bạn có thể trích một khoảng thời gian để ngồi xuống với một quyển sách mình thích.

2. Tạo một môi trường thích hợp và thuận lợi cho việc đọc sách

Đây là điều siêu hữu ích khi bạn mới bắt đầu xây dựng thói quen đọc sách. Hãy nghĩ xem một nơi chốn đọc sách lý tưởng đối với bạn là thế nào? 

Tú luôn để Kindle bên giường mình, và một playlist nhạc piano nhẹ nhàng để mình đọc sách. Cảm giác đọc sách trong một khung gian thư giãn để đầu óc dịu lại cho giấc ngủ rất là tuyệt vời.

Tuy nhiên, đừng bắt buộc bản thân mình chỉ đọc trong môi trường đó. Một môi trường "hoàn hảo" không phải lúc nào cũng xảy ra, và nếu như bạn chờ đúng thời điểm "nắng sớm ban mai lung linh bên khung cửa sổ với tách trà và bản violin dịu dàng khi đang ngồi trên ghế bành" để đọc sách, có thể bạn sẽ không bao giờ cầm một cuốn sách nào lên đâu...

3. Thay đổi những công việc ít ý nghĩa hơn với việc đọc sách

Mải mê lướt Facebook, Instagram hay ngồi hàng giờ coi show truyền hình trên YouTube, chúng ta luôn có những khoảng thời gian trong ngày được xếp trong danh mục "những việc không-quá-ý-nghĩa".

Xác định những việc đó là gì và xem chúng là "tín hiệu" của thời điểm cầm một quyển sách lên. Chúng ta đều có thời gian đọc sách nếu mình đặt ưu tiên cho chúng.

4. Đọc nhiều cuốn sách cùng lúc

Bạn có thể nghĩ giống như đa dạng hoá danh mục đầu tư của mình vậy. Nếu bạn đọc nhiều cuốn sách, bạn khá chắc rằng mình sẽ thích ít nhất một cuốn trong đó. 

Việc này đặc biệt đúng với sách nonfiction. Bạn sẽ tiếp thu kiến thức tốt hơn khi đọc đồng thời nhiều cuốn sách nonfiction cùng lúc (nhất là cùng một bộ chủ đề), vì bạn đang gom góp các dữ liệu và thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, với nhiều góc nhìn khác nhau.

Tú thường đọc 3 (đôi khi 4) cuốn sách đồng thời. Trong đó có 1 cuốn truyện, và 2-3 cuốn nonfiction về chủ đề mà Tú đang quan tâm.

5. Đọc những cuốn sách ngắn hơn

Nghe có vẻ hơi gian lận, nhưng khi bạn đọc nhiều cuốn sách đồng thời - hãy chọn vài cuốn sách ngắn để đọc cùng một cuốn sách dài hơn. 

Nó giống như kiểu bạn thấy mình có thành tựu khi đều đặn hoàn thành được những cuốn sách ngắn trong lúc tiến triển với cuốn sách dài hơn. 

6. Dừng đọc những cuốn sách bạn không thích

Một trong những lý do nhiều người không thích đọc sách là vì họ cố đọc những cuốn sách mình không thích, không hiểu, không hứng thú, mà họ đã "lỡ" cầm lên. 

Có hàng triệu cuốn sách ngoài thị trường. Sẽ có những cuốn sách không kết nối với bạn, dù chúng được review khen ngợi hay bán nhiều bản đến mức nào. Dừng đọc quyển sách bạn không thích là một động lực to lớn để đến với những cuốn sách bạn yêu thích hơn.

Không phải chuyện gì cũng áp dụng được nguyên tắc "chán thì dừng". Nhưng cuộc đời quá ngắn để cố ngốn một quyển sách bạn không thích.

7. Dành nhiều thời gian chọn lọc sách để đọc những cuốn sách tốt hơn

Nghĩ về những cuốn sách bạn đã đọc và thích, chúng có điểm chung gì? Không hẳn là về quan điểm của tác giả hay chủ đề, có nhiều yếu tố trong một cuốn sách khiến bạn thích hoặc không.

Bạn thích những câu chuyện hay các nghiên cứu? Tự truyện hay phỏng vấn? Đoạn văn ngắn đi vào ý chính, hay diễn giải cụ thể nhiều khía cạnh? Hướng dẫn cụ thể hay gợi ý tự khám phá?

Bạn có thể tìm thấy những cuốn sách tiềm năng ở danh sách "sách bán chạy", những sách kinh điển, từ người quen... Hãy cởi mở đón nhận cả những cuốn sách không có review 5 sao nhé. Khẩu vị là một điều cá nhân, và ai biết được bạn có thể tìm thấy quyển thích yêu thích tiếp theo của mình ở đâu. Nói chung thì, hãy dành nhiều thời gian chọn sách hơn nữa.

Một điều Tú thường làm khi tình cờ thấy một đầu sách có vẻ thú vị là ghi lại vào sổ. Khi có dịp vào nhà sách, hãy tìm những cuốn sách đó, và đọc phần giới thiệu/ mô tả sách, mục lục, và lướt qua cuốn sách, đọc sơ qua chương đầu. Nếu bạn thấy hứng thú, hãy mua cuốn sách đó về đọc. Nếu thấy không phù hợp, hãy bỏ cuốn sách đó (và gạch bỏ nó trong sổ).

Nếu không chắc chắn? Hãy tạm bỏ cuốn sách xuống. Hồi đó có một chị từng nói với Tú là "nếu em tự hỏi mình có yêu hay không, thì tức là mình chưa yêu" - không ngờ áp dụng với sách đúng hơn là áp dụng với người yêu =))

8. Chọn hình thức đọc sách phù hợp

Bạn thích đọc sách giấy để highlight và ghi chú trên trang? Hay đọc sách điện tử để gọn nhẹ dễ mang đi? Hay sách nói để vừa nghe vừa tập thể dục/ làm việc nhà?

Hãy chọn hình thức đọc sách bạn thích, VÀ phù hợp với nội dung bạn đang đọc. Ví dụ, sách nói cực phù hợp để nghe truyện (Tú thường nghe từ Spotify hoặc Podcast trên iPhone), trong khi sách giấy vô cùng phù hợp cho những cuốn sách dạy kỹ năng - để bạn có thể ghi chú và thực hành.

9. Chọn một "ngày đọc sách"

Đây là ngày bạn dành trọn vẹn để hoàn thành một cuốn sách! Ngày đọc sách có thể là một ngày tự thưởng khi bạn vừa hoàn thành một dự án, hoặc chạy xong cái deadline:)) 

Một cuốn sách khoảng 300-350 trang là hoàn hảo cho một ngày đọc sách.

10. Áp dụng sách vào cuộc sống

Khi bạn thấy mình nhận được lợi ích từ sách, bạn sẽ có động lực đọc nhiều sách hơn.

Tóm tắt một trang cuốn sách bạn vừa đọc, sketchnotes những điểm chính, thảo luận cùng một người bạn,... là những cách hay để tư duy và nhớ lại cuốn sách bạn vừa đọc.

Hay đơn giản nhất, Tú thường đặt ra câu hỏi: 3-5 bài học rút ra từ cuốn sách này là gì? Mình sẽ có hành động hay thay đổi gì trong cuộc sống từ những bài học đó?

Sau mỗi cuốn sách, bạn lại có 3 hành động tốt hơn cho bản thân. Xứng đáng quá chứ!

(Dịch và chỉnh sửa từ bài viết của Chris Bailey)

Đến lượt bạn

Như mọi lời gợi ý khác, hãy chọn những điều hiệu quả với bạn, và bỏ qua những cái còn lại.

Bạn đang (hay sẽ) áp dụng điều gì để đọc nhiều sách hơn?


Có thể bạn thích:

{"email":"Email address invalid","url":"Website address invalid","required":"Required field missing"}

Vòng Tròn Cuộc Sống


Nhận NGAY quà tặng dành cho bạn

Đánh giá hiện trạng và lên kế hoạch cho cuộc đời mình.

>