Bạn có thể cố gắng ép bản thân vào kỷ luật. Hay áp dụng "11 cách vượt qua sự trì hoãn tức thì". Nhưng nếu bạn không hiểu được gốc rễ nguyên nhân của sự trì hoãn, tất cả sẽ chỉ là giải pháp tạm thời.
Vậy nguyên nhân thật sự của trì hoãn là gì? Và tại sao quản lý thời gian hay xây dựng kỷ luật không phải là giải pháp tối ưu cho trì hoãn?
More...
Đây là phần 2 trong series 5 phần về làm sao ngừng trì hoãn được đăng tại blog Personal Excellence. Series này rất hay nên Tú dịch ra để chia sẻ với các bạn. Nếu bạn mới bắt đầu đọc series này, hãy đọc phần 1 trước.
Tú có chỉnh sửa một số phần trình bày để phù hợp hơn. Bạn có thể đọc bản gốc tại đây.
Liệu có thể ngưng trì hoãn?
Câu trả lời của tôi là Có. Một vài người có thể nghĩ rằng sự trì hoãn là một phần của cuộc sống thường ngày. Chúng ta bắt buộc phải trải nghiệm nó trong mọi thứ mình làm. Niềm tin này đến từ việc thiếu hiểu biết sâu sắc về điều gì tạo ra sự trì hoãn. Cuộc sống không phải là việc trì hoãn và lần lữa các việc. Khi hiểu cặn kẽ điều gì tạo ra sự trì hoãn, bạn có thể giải quyết nó hiệu quả.
Một điều quan trọng cần chú ý đó là trì hoãn thường là một vấn đề đa mặt. Có rất nhiều nguyên nhân và lý do khả dĩ dẫn đến sự trì hoãn - tất cả đều cần nhiều thời gian để hiểu rõ và giải quyết. Nhưng điều mà tôi sẽ chia sẻ trong series này sẽ giúp bạn bắt đầu xử lý được vấn đề này.
Vậy làm thế nào bạn có thể xử lý sự trì hoãn?
Sự trì hoãn: Triệu chứng của một vấn đề ẩn sâu
Để vượt qua sự trì hoãn, đầu tiên bạn phải nhận ra rằng trì hoãn không phải là vấn đề thật sự. Trì hoãn chỉ là triệu chứng của một vấn đề nằm ẩn sâu. Cũng giống như sự lười biếng, kém quản lý thời gian, hay thiếu kỷ luật. Có nhiều người nhanh chóng kết luận rằng đây là nguyên nhân cốt yếu cho các vấn đề của họ, vì chúng là câu trả lời dễ nghĩ nhất. Nguyên nhân thật sự thì ẩn sâu hơn thế nhiều.
Tại sao bạn bị muỗi chích?
Hãy lấy một ẩn dụ về vết muỗi chích. Chuyện gì sẽ xảy ra khi bạn bị muỗi chích? Đa phần mọi người sẽ gãi vào vết chích. Một số sẽ xoa dầu hay bôi kem lên đó. Chỗ ngứa đó sớm dịu lại, và dần lành.
Tuy nhiên, vấn đề có thật sự được giải quyết? Không đâu - vết muỗi chích đến từ con muỗi. Cho đến khi chúng ta xử lý hết đống muỗi, bạn sẽ lại tiếp tục bị chích vài nhát nữa. Lặp đi lặp lại việc xoa dầu bôi kem chỉ là xử lý tạm thời thôi. Giăng mùng chống muỗi cũng có thể là một giải pháp hiệu quả hơn, nhưng nó không thật sự giải quyết vấn đề tận gốc.
Thậm chí khi bạn xử xong đống muỗi, nó vẫn chưa giải quyết tận gốc vấn đề thật sự. Xử vài con muỗi không có nghĩa là những con khác sẽ không tới chỗ bạn. Cuối cùng thì, lũ muỗi đó phải đến từ đâu đó, đúng không? Chúng đến từ đâu? Nếu bạn tra lần theo nguồn gốc của chúng, bạn có thể sẽ tìm được chỗ muỗi đẻ trứng tại chậu cây trong nhà bạn.
Nhưng chờ đã, nó không kết thúc ở đó. Tại sao lại xuất hiện những chỗ đẻ trứng này ngay từ đầu chứ? Nếu bạn xem kĩ hơn, bạn sẽ thấy vấn đề thật sự là cho sự cẩu thả và giữ gìn môi trường sống kém. Cố gắng giải quyết vấn đề qua các bước tạm thời (bôi dầu, giết muỗi, dời chậu cây) cũng chỉ mang lại hiệu quả tạm thời nhưng không phải giải quyết dài hạn. Chỉ khi bạn giữ gìn và dọn dẹp nhà cửa kĩ càng đều đặn thì vấn đề mới được giải quyết mãi mãi.
Bạn có giải quyết tận gốc vấn đề?
Vậy thì hãy quay lại sự trì hoãn. Hãy nghĩ sự lười biếng, thiếu kỷ luật, và trì hoãn như những vết muỗi chích - triệu chứng cho vấn đề thật sự của bạn. Quản lý thời gian và tự kỷ luật giống như dầu và kem bạn đắp lên các triệu chứng. Chúng là giải pháp “hạ sách”.
Trong khi đúng là chúng có làm vấn đề dịu lại tới một mức nào đó, chúng không phải là giải pháp tối ưu. Bạn có thể dùng chúng hằng ngày nhưng làm vậy cũng sẽ không bao giờ giải quyết tận gốc sự trì hoãn của bạn.
Mặt khác, nếu bạn chạm đến gốc rễ của vấn đề - đầu tiên là diệt muỗi, sau là tìm ra ổ muỗi đẻ, và sâu xa nhất là thay đổi thói quen xấu dẫn đến môi trường cho muỗi sinh sôi - bạn đã tiến một bước xa trong việc vượt qua sự trì hoãn. Đây là điều mà những phần còn lại của series này sẽ đề cập - hiểu điều gì gây ra trì hoãn, và giải quyết các vấn đề này tận gốc rễ.
Một điều quan trọng cần chú ý là kích thước của vấn đề có thể được đo lường bằng mức độ “kinh niên” của việc trì hoãn. Sử dụng ví dụ con muỗi lần nữa, bạn càng bị chích nhiều và vết chích càng trầm trọng, có nghĩa là vấn đề gốc rễ càng lớn (có ổ muỗi rất lớn, hoặc rất nhiều ổ muỗi, và độ độc của giống muỗi ở đó). Tương tự, sự trì hoãn của bạn càng “nặng” và “kinh niên”, vấn đề gốc rễ bạn đối diện càng lớn.
Điều gì gây ra sự trì hoãn
Định nghĩa của sự trì hoãn là gì? Nó có nghĩa là chần chừ làm điều gì đó, để lảng tránh. Vậy điều gì dẫn đến việc người ta tránh né một điều gì đó? Sau khi tìm hiểu hàng ngàn người với những chứng trì hoãn khác nhau, tôi nhận ra tất cả nguyên nhân gây ra sự trì hoãn lúc nào cũng có thể đưa về 2 yếu tố - đó là Đam mê và Sợ hãi. Cụ thể hơn, (1) thiếu đam mê và (2) sợ hãi một điều gì đó.
Hai tác nhân: Đam mê và Sợ hãi
Đam mê và Sợ hãi là 2 lực liên quan chính khi chúng ta nói về hành động hay không hành động. Đam mê là nhiên liệu kéo bạn tiến về phía trước. Sợ hãi như một làn sương mù bao phủ xung quanh khiến bạn tê liệt không thể tiến về phía trước.
- Khi đam mê ít hơn sợ hãi, sự trì hoãn xảy ra.
- Do đó, khi đam mê lớn hơn sợ hãi, hành động sẽ xuất hiện.
Nếu như sự thiếu đam mê giao nhau với cảm giác sợ hãi, sự trì hoãn sẽ luôn xảy ra. Hãy lấy một ví dụ, học sinh trong trường. Đa phần học sinh học chỉ vì phải học - họ cảm giác trống rỗng về những thứ mình học. Thêm vào đó, sự cạnh tranh gay gắt trong trường và cường độ bài tập gây ra nỗi sợ học tập, do áp lực không bao giờ hết được gắn kết với việc học. Kết quả là, bạn thường thấy học sinh trì hoãn việc học và khinh hãi thi cử.
Phần tiếp
Trong phần ba, tôi sẽ đi sâu vào yếu tố Đam mê.
Đọc phần 3: Nguyên nhân thứ nhất của Trì hoãn: Thiếu đam mê.
Đây là phần 2 trong series 5 phần về làm sao ngừng trì hoãn. Nếu bạn mới bắt đầu, hãy đọc phần 1 trước.