6  Bình luận

6 bước để ngưng trì hoãn

Vậy là từ các bài viết trước, chúng ta đã hiểu tại sao mình trì hoãn. Bài viết này sẽ giới thiệu đến bạn một bài tập 6 bước, giúp bạn đào sâu đến nguyên nhân cốt lõi của việc bạn đang trì hoãn, và cách thức để bạn có thể giải quyết chúng. Một lần và mãi mãi.

More...


Đây là phần cuối trong series 5 phần về làm sao ngừng trì hoãn được đăng tại blog Personal Excellence. Series này rất hay nên Tú dịch ra để chia sẻ với các bạn. Nếu bạn mới bắt đầu đọc series này, hãy đọc phần 1 trước.

Nếu bạn đã đọc đến phần này, tôi đoán rằng sự trì hoãn là một vấn đề mà bạn đang đối diện và muốn giải quyết. Trong bài viết này, tôi chia sẻ một bài tập 6 bước đơn giản để bạn có thể bắt đầu ngưng trì hoãn.

Bài tập lột trần lý do bạn trì hoãn

Hãy lấy một tờ giấy và cây bút hoặc mở chương trình Word của bạn. Dành 20 phút để làm bài tập này. Chúng ta sẽ cần ghi chép kha khá trong thời gian này.

Bộ não của bạn chứa hàng ngàn tầng thông tin. Dưới các tầng này là tiềm thức của bạn. Mỗi ngày, các tầng lại chất đầy lên khi bạn đối diện với các tình huống mới. Để bạn có thể chạm được tới tiềm thức của mình, chúng ta cần phải dọn dẹp các tầng này (qua bước 2-4) và đi sâu vào tâm trí của bạn.

Sẵn sàng chưa? Bắt đầu nào.

1. Xác định một điều mà bạn đang trì hoãn

Hãy chọn một lĩnh vực mà bạn có mô thức lặp đi lặp lại trong việc trì hoãn. Đặc biệt khi bạn biết là bạn muốn hoàn thành nó.

Để minh họa, tôi sẽ lấy ví dụ tập thể dục để giữ gìn sức khỏe.

2. Hãy hỏi bản thân: “Tại sao tôi lại chần chừ làm điều này?”

Viết xuống tất cả những gì bạn nghĩ đến. Bạn có thể có 1 câu trả lời, 2 câu trả lời, hay thậm chí 5 câu trả lời - cũng không sao cả. Thậm chí nếu bộ não của bạn phản hồi là “tôi không biết”, hãy cứ viết điều đó xuống, và lặp lại câu hỏi lần nữa. Có thể bạn sẽ nhận được các câu trả lời khác nhau trong các lần hỏi khác nhau. Cứ tiếp tục viết cho đến khi bạn không còn gì để viết nữa.

Quá trình này có thể mất từ 5 phút hay thậm chí đến 30 phút nếu bạn có rất nhiều điều để viết. Mọi thứ bạn viết trong bước hai là câu trả lời tầng thứ nhất của bạn.

Những câu trả lời tầng thứ nhất về việc trì hoãn tập thể dục có thể là

  • Tôi không muốn tập thể dục
  • Tôi quá lười
  • Tôi không có kỉ luật
  • Tập thể dục quá chán
  • Phòng gym quá xa
  • Tôi không biết
  • Tôi ghét tập thể dục
  • Tôi không có đủ thời gian

3. Chọn những câu trả lời “đúng huyệt” để tiếp tục đào sâu

Nếu bạn nhớ trong phần 2 của series này, tôi có chia sẻ rằng sự lười biết và thiếu kỷ luật hiếm khi nào là vấn đề thật sự. Giải pháp liên quan đến kỷ luật và quản lý thời gian giống như là bôi dầu và thoa kem cho các vết muỗi chích. Chúng làm dịu đi triệu chứng mà không thật sự giải quyết cốt lõi của vấn đề. Vì vậy, hãy bỏ qua những câu trả lời như “tôi quá lười”, “tôi không có kỷ luật” và “tôi không có đủ thời gian”. Đào sâu vào những khía cạnh này thường không mang bạn đi đến đâu cả.

Với những câu trả lời còn lại, hãy chọn những câu trả lời “đúng huyệt” để tiếp tục đào sâu. Câu trả lời đúng huyệt là bất kỳ câu trả lời nào “thấy vậy mà không phải vậy”. Khi đào sâu, chúng hé lộ ra những tầng khác bên dưới. Những câu trả lời đúng huyệt thường gắn liền với:

  • Cảm xúc của bạn (ví dụ như đam mê, sợ hãi, hay không thoải mái). Ví dụ như “tôi không thích làm điều này”, “tôi sợ”, “tôi mệt mỏi”, hoặc “tôi ghét làm điều này”.
  • Khả năng của bạn. Ví dụ như “tôi không biết làm thế nào”, “nó tốn quá nhiều thời gian”, hoặc “có quá nhiều thứ phải làm”.

Trong bài tập ví dụ ở trên, một vài câu trả lời đúng huyệt là “tôi không muốn tập thể dục” và “tôi ghét tập thể dục”.

4. Đào sâu vào những câu hỏi đúng huyệt ở bước 3

Đào sâu vào các câu trả lời để hé lộ những gì nằm bên dưới. Một trong những cách đó là đặt câu hỏi tại sao điều này xảy ra hoặc tại sao nó là vấn đề. 

Một vài ví dụ để đào sâu vào những câu hỏi đúng huyệt:

  • “Tôi không muốn [tập thể dục].” → Hãy tự hỏi: “Tại sao tôi không muốn tập thể dục?” 
  • “Tôi ghét [tập thể dục].” → Hãy tự hỏi: “Tại sao tôi ghét tập thể dục?
  • “Tôi không biết làm thế nào.” → Hãy tự hỏi: “Nếu tôi không biết làm thế nào thì sao?”, “Việc tôi không biết làm thế nào có ý nghĩa ra sao?”, “Tại sao điều này ngăn cản tôi thực hiện công việc?

5. Lặp lại bước 4 cho đến khi bạn tìm ra giây phút “aha” làm sáng tỏ mọi việc

Tiếp tục đào sâu cho đến khi bạn chạm tới giây phút “aha”. Làm thế nào bạn biết bạn đã chạm tới giây phút đó?

Câu trả lời ngắn gọn là - bạn sẽ biết khi nó đến. Bạn sẽ cảm nhận một sự đồng cảm trào dâng khi bạn chạm đến câu trả lời, bởi vì đột nhiên tất cả đều gắn kết và có ý nghĩa. Bạn cuối cùng nhận ra tại sao bạn tránh né thực hiện công việc này mãi - không phải vì lười, và vì một lý do khác.

Ví dụ về các giây phút aha

Ví dụ như, một số người đã hé lộ các nguyên nhân trì hoãn của họ:

  • Có người trì hoãn giảm cân (để trở nên hấp dẫn hơn) → Vì họ ghét bản thân mình và muốn mình không hấp dẫn để không ai thích mình cả
  • Có người trì hoãn việc dành thời gian cho bố mẹ → Vì họ sợ còn lại một mình khi ngày nào đó bố mẹ ra đi
  • Có người trì hoãn tìm kiếm bạn đời → Vì họ có tự tôn thấp và sợ thế giới nhìn thấy mình thật sự thế nào
  • Có người trì hoãn luyện tập cho buổi biểu diễn → Vì họ sợ mình không đủ khả năng và muốn dùng cái cớ thiếu luyện tập nếu buổi biểu diễn không tốt nhất
  • Có người trì hoãn việc đi làm → Vì học đã mất đam mê trong công việc
Làm thế nào nếu bạn không tìm được giây phút aha của mình?

Bạn càng kết nối với con người nội tại của mình, bài tập này càng dễ dàng với bạn. Nếu bạn thường dành thời gian chiêm nghiệm, bài tập này khá thuận lợi. Có thể là, các câu trả lời sẽ chỉ khẳng định lại những điều bạn đã biết về bản thân mình.

Ngược lại, nếu bạn thường áp chế suy nghĩ/ cảm xúc của mình và ít có nhận thức bản thân, bài tập này có thể cần nhiều thời gian hơn. Bạn có thể thấy mình bị mắc kẹt, khi mà những câu trả lời như nhau cứ hiện lên bề mặt. Điều này cũng có thể xảy đến với những người tự nhận thức tốt khi mà họ cố gắng đào sâu vào một điểm mù trong đời sống của họ. Bạn có thể trải nghiệm điều này khi khai phá những mô thức ăn sâu trong cuộc sống của bạn, và câu trả lời xuất hiện chỉ có “tôi không biết” hay “tôi không chắc”.

Khi điều này xảy ra, đừng bỏ cuộc. Chỉ vì bạn không đến được thời khắc “aha” lần đầu không có nghĩa bạn sẽ không bao giờ có câu trả lời! Mỗi lần bạn giao tiếp với tiềm thức của mình, bạn xây dựng một mối quan hệ mạnh mẽ hơn với nó. Miễn là bạn kiên trì, câu trả lời cuối cùng sẽ đến. Những điều khác mà bạn có thể thử lúc này là:

  • Đặt câu hỏi trong nhiều lần khác nhau. Bạn không cần phải hoàn thành bài tập này trong một lần. Bạn có thể làm nhiều lần khác nhau.
  • Dùng những khía cạnh khác nhau. Nếu bạn chạm vào ngõ cụt, hãy thử lại câu hỏi trước đó. Lúc này, hãy hỏi một câu hỏi khác, hoặc hỏi cùng câu đó nhưng theo một cách khác. Một câu hỏi kiểu “Tại sao tôi không làm công việc này?” có thể đổi thành “Điều gì làm tôi tránh né công việc này?” hoặc “Điều gì trong công việc này làm tôi tránh né nó?” hoặc “Tại sao tôi lại không thực hiện điều này?"

Trong khi một vài niềm tin ẩn sâu về trì hoãn nghe có vẻ điên rồ (vd. trì hoãn việc giảm cân vì bạn muốn chống đối mọi người), chúng là những lý do rất thật về trì hoãn.

Nhiều người thường ngạc nhiên khi là bài tập đào sâu này và phát hiện ra những niềm tin xấu xí ẩn sâu, được hình thành từ khi ta còn nhỏ. Chúng thường là những niềm tin sai lầm được hình thành từ những trải nghiệm hoặc tai nạn tiêu cực khi ta còn bé. Bởi vì sự tự nhận thức chưa được hoàn thiện ở tuổi nhỏ, chúng ta tự tạo ra rất nhiều niềm tin dựa vào những gì mình quan sát, mà không biết đâu là đúng là sai. Qua nhiều năm, những niềm tin này ăn sâu vào tiềm thức và dẫn lối cho các hành động bên ngoài của chúng ta - như trì hoãn làm việc X mặc dù ta ý thức được mình rất muốn hoàn thành X.

6. Tạo bảng kế hoạch hành động để giải quyết vấn đề gốc rễ

Khi đã khám phá được gốc rễ, hãy tạo bảng kế hoạch hành động của bạn để giải quyết vấn đề đó.

Nhận ra vấn đề cốt lõi thường là đã đủ để khiến bạn hành động. Vì bạn hiển nhiên thấy được tiếp tục trì hoãn là giải pháp sai lầm nếu muốn giải quyết vấn đề cốt lõi đó. Ví dụ, nếu bạn đã mất đam mê cho công việc, hành động ngay lập tức bạn cần làm là tìm kiếm công việc bạn yêu thích và theo đuổi nó. Trì hoãn trong công việc hiện tại chỉ kéo dài vấn đề của bạn - và chẳng giúp bạn đi đến đâu cả. Một ví dụ khác là trì hoãn việc kiếm bạn đời vì bạn thiếu tự tin. Bước tiếp theo một cách logic là rèn luyện tự tin của bạn, chứ không phải tránh né các mối quan hệ cả đời.

Một ví dụ về trì hoãn giảm cân

Tôi từng có một học viên trì hoãn việc giảm cân. Sau khi đào sâu vào nguyên nhân cốt lõi, chúng tôi hiểu ra rằng việc trì hoãn đó đến từ việc cô ấy không yêu thương bản thân mình. Trong thâm tâm, cô ấy không muốn loại những cân nặng thừa thãi đó bởi vì cô ấy không muốn nhận sự chú ý từ cánh đàn ông. Một lý do nữa là cô ấy không muốn mình trở nên xinh đẹp (theo định nghĩa của cô), vì cô ấy không nghĩ “sắc đẹp” gắn liền với cô. Từ bé, cô đã nghĩ bản thân là “con vịt xấu xí”. Điều này là do sự thiếu yêu thương bản thân - cô ấy không tự nhận thấy vẻ đẹp của mình.

Giải pháp ở đây là cải thiện sự tự yêu thương bản thân của cô ấy trong khi cải thiện việc giảm cân, hơn là giảm cân để yêu thương bản thân hơn (bạn có thấy được sự khác biệt?). Hãy đánh đúng vào nguyên nhân cốt lõi, bởi vì nó là điều ngăn cản bạn đạt mục tiêu của mình. Ở đây, một bản kế hoạch để yêu thương bản thân hơn có thể bao gồm việc nói những lời khẳng định tích cực về bản thân, đối diện những tiêu cực về hình ảnh cơ thể mình, loại bỏ những mối quan hệ độc hại, và tiến bước về các mục tiêu cá nhân của mình.

Tổng kết

Dưới đây là phần tóm tắt bài tập 6 bước để ngưng trì hoãn mãi mãi. Hãy chuẩn bị giấy bút để viết và dành cho bản thân từ 5-30 phút (có thể cần nhiều thời gian hơn, hoặc thực hiện nhiều lần hơn):

  • 1
    Xác định một điều mà bạn đang trì hoãn, mặc dù bạn muốn thực hiện nó
  • 2
    Hãy hỏi bản thân: “Tại sao tôi lại chần chừ làm điều này?”
  • 3
    Chọn những câu trả lời “đúng huyệt” để tiếp tục đào sâu
  • 4
    Đào sâu vào những câu hỏi đúng huyệt ở bước 3
  • 5
    Lặp lại bước 4 cho đến khi bạn tìm ra giây phút “aha” làm sáng tỏ mọi việc
  • 6
    Tạo bảng kế hoạch hành động để giải quyết vấn đề gốc rễ

Đây là phần cuối trong series 5 phần về làm sao ngừng trì hoãn được đăng tại blog Personal Excellence. Series này rất hay nên Tú dịch ra để chia sẻ với các bạn. Tú có chỉnh sửa một số phần trình bày để phù hợp hơn.  


Có thể bạn thích:

  • Những chia sẻ của Tú rất thiết thực, sát với thực tế, điều mà mình không nhìn thấy ở các trang khác, cảm ơn rất nhiều!!!!!!!!

    • Cám ơn Quang? Những lời chia sẻ của bạn tạo động lực cho Tú rất nhiều đó!

  • {"email":"Email address invalid","url":"Website address invalid","required":"Required field missing"}

    Vòng Tròn Cuộc Sống


    Nhận NGAY quà tặng dành cho bạn

    Đánh giá hiện trạng và lên kế hoạch cho cuộc đời mình.

    >