HÀNH trình năm mới

Ngày 4: Xây dựng kế hoạch tác chiến

Nếu bạn đi mà chưa đến đích, thứ bạn cần thay đổi là con đường, chứ không phải đích đến

Làm thế nào để đạt được mục tiêu?

Sau khi biết được mình muốn đạt được điều gì trong năm mới, câu hỏi tiếp theo của chúng ta hiển nhiên là: Làm thế nào để đạt được mục tiêu?

Nghe thì có vẻ to lớn, và đáng sợ nhỉ. Nhưng thật ra đơn giản là thế này: Bạn lên một kế hoạch, rồi bạn hành động.

Sẽ có 2 kết quả xảy ra, hoặc bạn đạt được mục tiêu, yayyy, chúc mừng bạn. Hoặc bạn không đạt được như mong đợi, lúc này bạn phải xem lại kế hoạch của mình.

hiệu chỉnh hoặc THAY ĐỔI nó.

Có nhiều người khi không đạt được kết quả, bạn lại cố gắng hành động nhiều hơn và nhiều hơn nữa, hoặc tê liệt luôn, bỏ cuộc.

Nhưng thật ra câu chuyện xây dựng chiến lược và thay đổi chiến lược cho tới khi chiến thắng trận chiến, là điều chúng ta cần làm.

Nguồn: Adam Khoo Education.

Biết mình đo lường cái gì trong hành trình đến mục tiêu

Trong khi lên kế hoạch hành động, một trong những điều quan trọng nhất (đặc biệt là khi bạn chưa chắc kế hoạch của mình hoàn hảo), đó là biết được bạn đo lường cái gì để chắc rằng mình đang đến gần hơn với mục tiêu.

Có một câu chuyện thế này:

Giả sử bạn có mục tiêu đun nước sôi. Bạn đổ nước vào nồi, đặt lên bếp và bật lửa. Bạn biết là khi nước sôi, hơi nước bốc lên. Vậy nên bạn ngồi chờ hơi nước. Sau 3 phút, không có gì xảy ra. Sau 5 phút, không có gì xảy ra. 8 phút, bạn vẫn không thấy hơi nước và bắt đầu nghi ngờ mình đã làm gì đó sai.  

Có thể đây không phải là cách đun nước đúng. Có thể bạn không tài năng như người khác để đun được nước kiểu này. Cuộc sống thật không công bằng, và bạn phải chấp nhận điều đó. Vậy nên bạn quyết định bỏ cuộc, tắt bếp và đổ đống nước đi. Nhưng nếu như bạn cố gắng hơn một chút, bạn đã có thể thấy hơi nước diệu kỳ sau mười lăm phút. Thế nhưng, bạn đã đổ bỏ hết nỗ lực của mình. 

Thế rồi thầy dạy vật lý của bạn xuất hiện và nói với bạn:

- Con à, nước sôi tại 100°C. Con hãy lấy cái nhiệt kế này về thử lại. Khi mà con thấy nhiệt kế chạm tới 100°C, nó sẽ bắt đầu sôi.

Bạn hào hứng bắt đầu lại, với nhiệt kế bắt đầu tại 20°C. Sau 3 phút, nó chạm tới 45°C. 5 phút và nó ở 60°C. Sau 8 phút nó đã đến 75°C. Ôi trời ơi! Bạn biết là bạn đã đi đúng hướng. Bạn thấy được tiến độ. Bạn càng có thêm nhiệt huyết để tiếp tục đun nước. 

Và khi nhiệt kế chạm 100°C, nước bắt đầu sôi, hơi nước bốc lên và bạn có cảm giác hoàn toàn thỏa mãn. Bạn đã hoàn thành mục tiêu!

OK Tú biết câu chuyện hơi nhảm nhí, nhưng đó là tầm quan trọng của việc đo lường đúng thứ. Vậy nên để biết được bạn có đi đúng hướng tới mục tiêu của mình không, hãy dành thời gian suy nghĩ bạn sẽ đo lường điều gì trên hành trình đó.

2 loại mục tiêu

Để biết mình bạn cần đo cái gì, bạn cần dành một ít thời gian suy nghĩ xem bản chất mục tiêu của bạn thuộc loại nào.

Ở đây, từ kinh nghiệm cá nhân của mình, Tú thường chia đơn giản thành 2 loại, dựa theo cách bạn đạt được chúng. Với mỗi loại mục tiêu, bạn có những chiến lược khác nhau và cần đo lường những thứ khác nhau để đạt được:

Mục tiêu loại thói quen

Đây là những mục tiêu mà để đạt được kết quả, bạn cần lặp đi lặp lại một số việc trong một khoảng thời gian nhất định.

Cái bạn đo lường, không phải là % kết quả đạt được, mà là tần suất của các hoạt động.

Ví dụ như các mục tiêu về sức khoẻ, cái bạn cần là thường xuyên ăn đồ dinh dưỡng, tập thể dục đều đặn, nghỉ ngơi đầy đủ TRONG MỘT KHOẢNG THỜI GIAN đủ dài. Đó là dạng mục tiêu loại thói quen.

Mục tiêu loại quy trình

Đây là những mục tiêu mà để đạt được kết quả, bạn cần làm theo một số bước nhất định lần lượt.

Cái bạn đo lường là % kết quả đạt được, dựa trên việc bạn đang ở giai đoạn nào trong hành trình đến mục tiêu đó.

Ví dụ như nếu bạn có mục tiêu đi du lịch một nước mới, điều cần làm là tính ngân sách, chọn địa điểm và thời gian, đặt vé máy bay, đặt phòng, chuẩn bị và lên đường. Bạn biết mình đạt được nửa đường khi đã đặt xong vé và phòng, và 80% khi bạn đã đến quốc gia đó (20% còn lại là vui chơi và về được Tổ quốc!)

Tâm sự mỏng

Thật ra Tú chia thành 3 loại cơ, loại thứ 3 là mục tiêu loại kết quả. Nhưng để giữ cho phần lên kế hoạch của chúng ta đơn giản cho những người mới bắt đầu, Tú sẽ tập trung vào 2 loại chính bên trên. Hẹn bạn một ngày khác Tú sẽ chia sẻ cụ thể hơn về dạng thứ 3 nhé.

Bước 1: Xác định mục tiêu của bạn được đo lường thế nào

Mục tiêu loại thói quen

Ví dụ:

- Cơ thể 6 múi

- Đọc sách mỗi ngày

- Đọc 50 quyển sách một năm

- Thức dậy 5AM

- Tập thể dục 3 lần một tuần

Đo bằng tần suất.

Mục tiêu loại quy trình

Ví dụ:

- Viết một quyển sách 

- Tìm một công việc tốt hơn

- Tạo thêm một nguồn thu nhập

- Chuyển nhà mới tốt hơn 

- Sắm điện thoại mới

Đo bằng các bước hoàn thành.

Một số mục tiêu có thể tổng hoà cả 2 loại trên.

Ví dụ: Bạn có mục tiêu là đạt IELTS 8.0

Để đạt được mục tiêu này, bạn vừa phải có quy trình học tập (học từ vựng ngữ pháp, luyện 4 kỹ năng, luyện các dạng bài khác nhau ở mỗi kĩ năng, luyện đề), vừa phải có tần suất học tập để tập đủ nhiều.

Bạn có thể xếp những mục tiêu này vào phần thói quen. Tú sẽ đo lường theo dạng mỗi ngày dành ra x tiếng để luyện tập. Và trong x tiếng đó bạn có thể luyện tập những phần khác nhau theo quy trình.

Sau khi bạn đã xếp các mục tiêu của mình vào 2 loại, hãy tạm bỏ qua những mục tiêu loại thói quen, vì chúng ta sẽ bàn tới chúng trong Ngày 6 (Xây dựng thói quen).


Giờ hãy cùng nhau xây dựng chiến lược cho những mục tiêu loại quy trình nhé!

Bước 2: Liệt kê các bước cần làm để đạt được mục tiêu 

Kế hoạch của bạn không cần hoàn hảo để bắt đầu. Lặp lại lần nữa, kế hoạch của bạn không cần hoàn hảo để bắt đầu.

Quá nhiều người chờ kiếm được cách toàn vẹn nhất rồi mới làm, nhưng lúc kiếm ra (nếu thật sự kiếm ra) thì đã quá muộn.
Kế hoạch tốt nhất đó là hãy lên kế hoạch, bắt đầu hành động, và chỉnh sửa bản kế hoạch của bạn, và tiếp tục hành động, cho đến khi bạn đạt được mục tiêu.

​Vậy nên, theo những gì bạn biết về mục tiêu của mình, bạn hãy liệt kê tất cả các bước cần làm để đạt được mục tiêu. Đừng quá quan trọng liệu các bước của bạn đã chính xác hay chưa. 

Bởi đa số lần thì, bạn sẽ không biết được bước thứ 2 là gì cho đến khi bạn đứng ở bước thứ nhất, và bạn chỉ có thể xác định được chính xác bước thứ 10 khi đang đứng ở bước thứ 9.

Nói chung trong các bản kế hoạch, bước quan trọng nhất là bước kế tiếp. Hãy tập trung vào điều đó thay vì lo lắng mình sẽ làm gì ở bước số 20 trước khi bắt đầu!

Nếu Bạn Thật Sự Không Biết Bắt Đầu Từ Đâu?

Hãy vẫn lập kế hoạch. Bước một của bạn sẽ là “tìm ra chiến lược để đạt được mục tiêu này”. Và bạn lên kế hoạch hành động để tìm hiểu điều đó.

Thời đại ngày nay rất dễ để bạn kiếm thông tin. Cách tốt nhất là hãy học từ những người đã đạt được kết quả bạn muốn có. Có thể là từ sách, YouTube, Audio Book, nói chuyện trực tiếp với họ.

Tiếng Anh có câu “don’t reinvent the wheel”. Nếu bạn đã học được phương pháp từ những người đã đạt được kết quả, hãy làm theo họ. Khi bạn có vốn kiến thức đủ lớn và nhiều trong lĩnh vực đó, bạn tạo ra cách của riêng mình vẫn chưa muộn!

Bước 3: Sắp xếp các bước thành các mục tiêu nhỏ cho quý/tháng/tuần

Nếu đây là lần đầu bạn thử dạng đặt mục tiêu và lên kế hoạch cho năm, hãy chỉ chọn ra từ 1-3 mục tiêu của năm. Nếu bạn có thể hoàn thành trước khi năm kết thúc, bạn hoàn toàn có thể chọn tiếp tục thêm các mục tiêu khác.

Nếu bạn đã quen thuộc, hãy chọn 5 mục tiêu lớn. Nhiều hơn 5 trong cùng một lúc sẽ dễ khiến bạn xao nhãng và chia loãng năng lượng quá nhiều. Không tốt tí nào!

Sau khi có 1-3 (hoặc 5) mục tiêu lớn của một năm, hãy lên kế hoạch cho từng quý.

Trong quý 1, bạn sẽ làm gì để bước đến gần hơn cho mục tiêu của năm? Còn quý 2, 3, và 4?

Sau khi có mục tiêu của quý 1, bạn tiếp tục với mục tiêu mỗi tháng. Bạn cần làm gì trong tháng 1 để có thể tiến gần hơn đến mục tiêu quý 1? Làm gì trong tháng 2 và 3?

Bạn đoán đúng rồi đó. Sau mục tiêu của tháng sẽ là mục tiêu hằng tuần. Sau đó là mục tiêu mỗi ngày.

Bạn Cần Làm Gì Trong Năm?

Sau khi đã lên kế hoạch tổng quan cho cả năm, và từng quý.

Hãy lên kế hoạch cho tháng 1, tháng 2 và tháng 3.

Sau đó tập trung vào kế hoạch cho tháng 1.

Và cho tuần đầu tiên của tháng 1


Rồi sau đó...

Cất những tờ kế hoạch chưa cần đi, và hãy tập trung vào tờ của tuần này. Và những gì bạn cần làm ngày hôm nay.

Mỗi ngày
1

Thực hiện những mục tiêu bạn đã để ra. Nếu không hoàn thành, hãy linh hoạt chuyển sang hôm sau và sắp xếp thời gian thực hiện chúng.

2
Mỗi tuần

Xem xét lại tuần qua và bạn đang ở đâu trên mục tiêu tháng. Chỉnh sửa kế hoạch của các tuần tiếp theo nếu cần để đạt được mục tiêu tháng.

3
Mỗi tháng

Xem xét lại tháng qua, và lên mục tiêu cho những tháng tiếp theo để đạt được mục tiêu quý của bạn.

3
Mỗi quý

Thực hiện Vòng tròn cuộc sống. Xem xét lại kế hoạch của quý này, VÀ mục tiêu cả năm của bạn.

Nếu bạn không thấy các khía cạnh cuộc sống tích cực hơn, cần chiêm nghiệm lại những điều mình đã làm, thậm chí là thay đổi mục tiêu của năm.

Vì cuối cùng thì điều quan trọng là bạn thấy hạnh phúc và trưởng thành trên hành trình của mình. Sau đó, tiếp tục lên (hoặc xem lại) kế hoạch cho các quý và tháng tiếp theo.

​Biểu mẫu Hỗ trợ cho bạn

Ở những trang dưới, bạn sẽ thấy các trang mẫu mục tiêu của năm/quý/tháng/tuần Tú đã chuẩn bị sẵn cho bạn. 

Tại mỗi thời điểm, hãy in hoặc dựa theo mẫu này để lên kế hoạch cho mỗi tuần/tháng/quý của bạn.

He who fails to plan is planning to fail. (Sir Winston Churchil)

Hãy dành thời gian để lên kế hoạch. Bạn sẽ thấy mục tiêu rõ ràng hơn, bạn có nhiệt huyết hơn để thực hiện, và cơ hội bạn đạt được mục tiêu của mình cũng cao hơn rất nhiều.

Comment về những suy nghĩ (và cả thắc mắc) của bạn khi lên kế hoạch tác chiến của mình nhé.

>