HÀNH trình năm mới

Ngày 6:

Xây dựng thói quen

Động lực là điều khiến bạn bắt đầu. Thói quen là cái giữ bạn tiếp tục. - Jim Rohn

​Tại sao thói quen lại quan trọng?

Chúng ta là sinh vật của thói quen. 90% thời gian chúng ta hoạt động dưới chế độ tự động, có nghĩa là ta không thực sự ý thức khi thực hiện hành động ấy. 

Tú đoán rằng bạn có những đường đi quen thuộc từ nhà đến nơi làm việc hoặc trường học. Và đôi khi bạn đang suy nghĩ về một vấn đề gì đó quá mức, bạn có thể không nhận ra mình đã về đến nhà như thế nào. Cơ thể bạn tự hoạt động.

Thật đáng sợ phải không khi biết rằng một thứ gì đó vô hình đang điều khiển cách bạn hành xử?1

Thói quen là một trong 4 yếu tố quan trọng nhất định hình bạn trở thành bạn của ngày hôm nay (bên cạnh Môi trường, Niềm tin, và Ước vọng). Bạn có thể dùng ý chí và nỗ lực để đi đến mục tiêu của mình. Nhưng Tú dám chắc với bạn rằng, với cùng một công sức ấy, đầu tư ý chí cho việc thiết lập Thói quen (và Môi trường) hiệu quả sẽ mang lại cho bạn kết quả lớn hơn nhiều.

Có rất nhiều người thích đặt mục tiêu, sau đó cố hết sức, thậm chí tan nát bầm dập mình mẩy, để biến mục tiêu đó thành hiện thực. Trong khi đó, có một cách đơn giản hơn để đạt được những điều bạn muốn, đó là dành thời gian để thiết lập những thói quen tích cực và hữu ích cho bản thân.

Thử tưởng tượng bạn có thể nhịn ăn nhịn uống, tập gym hùng hục trong 4 tuần để đạt được hình thể bạn mong muốn. Nhưng sau đó khi bạn ngừng chế độ tập luyện, cơ thể bạn lại tích mỡ như cũ, và vòng lặp ăn - lên ký - nhịn - giảm ký cứ hoài không hồi kết. 

Thay vì vậy, nếu bạn tập trung vào xây dựng những thói quen ăn uống tốt, thói quen vận động hằng ngày, bạn sẽ dần có được cơ thể khoẻ mạnh và thanh gọn mình mong muốn mãi mãi. 

Chúng ta là những điều chúng ta thường làm. Sự ưu tú, vì vậy, không phải là một hành động mà là một thói quen. - Will Durant

Sức mạnh của thói quen là vậy.

Cơ chế của thói quen

Ah, giải thích cụ tỉ (cụ thể + tỉ mỉ) về khoa học của thói quen chắc là cần một bài viết riêng. Hoặc cách tốt hơn nữa là bạn hãy đọc cuốn The Power of Habit - Charles Duhigg (bản tiếng Việt là Sức mạnh của thói quen)

Trong phạm vi của HTNM, Tú sẽ chỉ tóm tắt lại để bạn nhắm được phần tổng quan nhất và áp dụng ngay cho việc xây dựng thói quen của nhiệm vụ hôm nay. 

Nếu bạn đã đăng ký trở thành bạn đọc VIP của Genie Academy, hãy vào Thư viện VIP để đọc bản ebook nhé.

Cơ chế thành lập thói quen gồm 3+1 phần, biểu thị qua một khái niệm gọi là "Vòng lặp của thói quen."

Vòng lặp này bao gồm 3 phần:

Đầu tiên, có một tín hiệu kích hoạt từ tác nhân bên ngoài hoặc bên trong xảy đến với bạn. Khi bộ não của bạn nhận biết được tín hiệu này, nó sẽ chuyển qua chế độ tự động và kích hoạt một mô hình hành vi vô thức, tức là bạn không thật sự có thời gian suy nghĩ xem liệu 'có nên làm hay không'.

Mô hình hành vi vô thức (hành động) này đã được bạn thực hiện mỗi khi bạn gặp tín hiệu kích hoạt, thường được gọi dưới cái tên thân thiện là thói quen. Hành vi này của bạn có thể là một hành động cụ thể, nhưng nó cũng có thể là một suy nghĩ trong đầu bạn. Vậy nên mới bảo, suy nghĩ cũng là một hành động. 

Cuối cùng, việc thực hiện hành động này mang đến cho bạn một phần thưởng, chính là bước thứ ba của vòng lặp. Phần thưởng này có thể bạn nhận thức được, cũng có thể chỉ nằm trong tiềm thức của bạn. Phần thưởng này cho bạn (chính xác là não bộ của bạn) động lực để lần sau lại thực hiện hành động đó khi có tín hiệu kích hoạt.

Vòng lặp thói quen hình thành từ đó.

Khi bạn hiểu được vòng lặp của thói quen: tín hiệu kích hoạt, hành động, và phần thưởng, bạn sẽ thật sự am tường vì sao con người lại hành động theo cách chúng ta thường hành động.

Nguồn: medium.com

Ví dụ cho dễ hiểu cái hen: Chuyện coi Facebook

Chuông thông báo đến, và bạn cầm điện thoại lên check tin nhắn. Sau khi check bạn ra màn hình chính của điện thoại. Bạn thấy icon màu xanh xinh xắn cùng chữ f màu trắng (tín hiệu kích hoạt), bạn click vào và lướt Facebook tí xem có gì hay (hành động), và với mỗi cái kéo ngón cái, bạn nhận được những thông tin mới thoả mãn các cảm xúc khác nhau của bạn (phần thưởng). Véo cái hết 2 tiếng đồng hồ!

 Phía trên Tú có nói cơ chế của thói quen gồm 3+1 phần, vậy phần +1 còn lại là gì?

Đó chính là TẦN SUẤT. Thói quen không phải được tạo thành từ việc có 1 tín hiệu, bạn thực hiện hành động 1 lần, nhận được 1 phần thưởng.

Nó là sự lặp đi lặp lại của cùng một hành động cho cùng một tín hiệu và nhận được cùng một phần thưởng, hết lần này đến lần khác. Dần dà trở thành thói quen.

Có người bảo cần 21 ngày, người bảo cần 30 ngày, hay 66 ngày để thành lập thói quen. Tú không biết cái nào đúng, nhưng nói chung thói quen tức là việc bạn sẽ làm hoài mà, vậy nên bạn cứ xây dựng thói quen một cách CÓ Ý THỨC cho đến khi nó thành cơ chế VÔ THỨC của bạn thôi, phải không nè?!

Nguyên tắc xây dựng thói quen thành công

Đọc kĩ phần này nha. Nếu không đến phần thực hành không hiệu quả ráng chịu!

  1. 1
    Cách chọn thói quen:

    Hãy chọn những thói quen thật sự có ý nghĩa với bạn. Đừng chỉ dậy 5AM, tập yoga mỗi ngày, thiền định chỉ vì ai cũng làm như vậy (uh dù chúng tốt thật!). Nếu bạn không có động lực, bạn không vượt được qua thời kì 30 ngày đầu tiên hình thành thói quen đâu. Động lực đến từ mục đích của bạn khi hình thành một thói quen, nên hãy chọn cái có ý nghĩa với bạn.

    Cũng đừng xây dựng quá nhiều thói quen cùng lúc. Khi bạn cố gắng xây dựng quá nhiều thói quen mới, bạn như đang ép mình trở thành một con người khác. Điều này rất mệt mỏi và khó kéo dài. Mỗi lần, hãy thực hiện tối đa 3 thói quen mới thôi. Tốt nhất là chỉ một. Sau khi thói quen đó đã trở thành một phần bản năng trong cuộc sống hằng ngày của bạn, hãy xây dựng thói quen tiếp theo sau.
  2. 2
    Loại bỏ tín hiệu của thói quen xấu:

    Hãy để ý điều gì kích hoạt bạn thực hiện thói quen xấu và loại những cái đó đi. Như trong ví dụ về check Facebook trên, điều Tú làm đó là xoá luôn app Facebook khỏi điện thoại mình, như vậy Tú sẽ không thể thấy ứng dụng đó để vô kiểm tra, phí thời gian của mình. Không cất đồ ăn vặt ở nhà thì không tình-cờ-nhìn-thấy và buồn miệng được. Không có sẵn gói thuốc trong người thì khó hút hơn.
  3. 3
    Thiết lập tín hiệu mới cho thói quen tốt:

    Tương tự như vậy, nếu bạn muốn xây dựng thói quen tốt, hãy tạo ra những tín hiệu nhắc bản thân. Một số cách tạo tín hiệu hiệu quả đó là:

    Tạo lập tín hiệu tự động: Ví dụ như nếu bạn muốn luyện đàn mỗi tối, hãy đặt cây đàn bên cạnh giường. Đặt quyển sổ trên bàn để lên kế hoạch mỗi ngày. Hoặc dán một bảng kiểm tra thói quen lên tường hay trong sổ tay để nhắc bản thân (habit tracker). Bên cạnh các tín hiệu về thị giác, bạn cũng có thể dùng tín hiệu về thính giác như đặt chuông hẹn giờ.

    Dùng áp lực bên ngoài: Tín hiệu “nặng đô” nhất mà bạn có thể áp dụng đó là nói trên mạng xã hội hoặc với một người mà bạn coi trọng về quyết định xây dựng thói quen của mình và yêu cầu họ làm người giám sát. Ha! Đảm bảo hiệu quả, chỉ là bạn dám “chơi” hay không thôi.

    Tạo hành động chuỗi: Cái này hay lắm nhé! Bạn dùng một hành động trước (là một thói quen đã có) làm tín hiệu cho hành động mà bạn muốn tạo thành thói quen. Ví dụ ngày Tú tập skincare, thay vì để các lọ dưỡng trong phòng ngủ, Tú để kế bên bàn chải đánh răng trong phòng tắm, để khi đánh răng (hành động trước) Tú nhớ ra luôn xong là rửa mặt bôi kem (thói quen muốn tạo). Dần thành thói quen ấy.
  4. 4
    Thay thế hành động này bằng hành động khác:

    Nếu bạn không thể tác động vào tín hiệu của thói quen xấu, hãy thay thế hành động hiện tại (thói quen xấu) bằng hành động mới (thói quen tốt). Ví dụ như khi bạn nhìn màn hình điện thoại, thay vì click vào icon Facebook, hãy click vào Duolingo để luyện ngôn ngữ mới 5 phút. Hay khi bạn tự nhiên thấy chán, thay vì nằm ườn ra phàn nàn về đời, hãy nhảy tại chỗ 10 cái, hoặc nghĩ ngay về 5 điều bạn biết ơn ngày hôm nay.
     
    Cái này hay ở chỗ bạn thay thế một thói quen bằng một thói quen khác, rất hiệu quả theo chính Charles Duhigg đề nghị.
  5. 5
    Tác động vào phần thưởng:

    Cách đơn giản nhất của tạo ra phần thưởng đó là phương pháp “don’t break the chain” (tạm dịch, đừng làm đứt mắc xích). Bạn cần một cuốn lịch dán tường. Mỗi ngày khi bạn thực hiện được thói quen mới thì hãy đánh dấu vào. Chuỗi đánh dấu càng dài thì bản năng con người càng không muốn là đứt khúc, giúp cho bạn thêm động lực thực hiện thói quen của mình đến khi quen thuộc. Bạn cũng có thể dùng app để theo dõi. Nhưng cá nhân Tú thì thấy lịch dán tường hiệu quả hơn.

    Thêm vào đó, bạn có thể biến việc xây dựng thói quen thành một thử thách, và cho mình một phần thưởng. Ví dụ, nếu bạn thực hiện được thói quen này trong 30 ngày liên tiếp, bạn sẽ tặng mình một vé xem phim, một buổi chiều cà phê thư giãn, hay một hôm đi mát xa chẳng hạn.
  6. 6
    Sự đều đặn là quan trọng nhất:

    Khi xây dựng thói quen, bạn cần tập trung vào việc thực hiện thói quen đó hằng ngày thay vì ép bản thân làm điều quá to tát.

    Hãy tạo ra những thói quen mini, tức là những thói quen dễ tới mức bạn không thể không làm được, để đảm bảo rằng bạn sẽ thực hiện chúng hằng ngày. Khi đã quen rồi, bạn có thể tăng mức độ lên sau.

    Ví dụ, nếu bạn muốn luyện thói quen tập thể dục mỗi sáng. Thay vì đặt ra là đi gym mỗi ngày (quá khó cho người mới tạo thói quen), hãy đơn giản đặt thói quen “nhảy 30 cái vào buổi sáng” hoặc “plank 30s”. Như vậy sẽ dễ hơn và bạn sẽ chịu làm hơn nhiều. Tương tự, nếu bạn muốn đọc sách thì hãy đặt thói quen mini là “đọc 1 trang sách mỗi ngày”. Muốn viết nhiều hơn hãy đặt thói quen mini là “viết 50 chữ mỗi ngày”, vân vân.

    Một ý tưởng cũng rất hay Tú học được từ YouTuber Matt D'avella là quy tắc 2 ngày. Khi bạn đang xây dựng thói quen, bạn không được bỏ quá 1 ngày trong chuỗi hoạt động của mình. Tức là nếu bạn thấy quá mệt mỏi, quá áp lực, hay quá lười, hãy bỏ qua một ngày. Nhưng hôm sau, bạn phải quay lại với hoạt động ấy. Nếu bạn bỏ 2 ngày liên tiếp, bạn phải bắt đầu lại từ đầu!

Xây dựng thói quen của bạn

1

Xác định một thói quen bạn muốn xây dựng lúc này

Nhìn vào mục tiêu năm nay và bucket list của bạn (HTNM ngày 4), và chọn những mục tiêu loại thói quen trong đó. Nếu bạn không có mục tiêu loại thói quen? Tự hỏi "bạn cần thói quen nào để giúp mình dễ dàng đạt được những mục tiêu của năm nay hơn?"

Liệt kê tất cả thói quen bạn muốn hình thành. Chọn tối đa là 3 thói quen mới. Tốt nhất là 1.

2

Xác định thói quen mini cho thói quen mới

Hãy nghĩ xem, để có được thói quen mới đó, mỗi ngày bạn cần làm hành động gì dễ ơi là dễ, dễ tới mức bạn bật cười vì không tin là mình không làm được ấy. Hãy nhớ điều mà bạn muốn là một hành động vô cùng dễ dàng mà bạn không thấy trở ngại gì khi thực hiện trong suốt 30 ngày tới.

3

Quyết định một phần thưởng

Nếu bạn có thể thực hiện thói quen mini đó trong 30 ngày, bạn sẽ tặng mình phần thưởng gì? Hãy nghĩ về một món quà cho bản thân mà bạn rất thích để làm động lực.

Đừng tiếc tiền để thưởng cho bản thân, nhất là khi bạn đã rất giỏi vượt qua thử thách tạo thói quen tốt cho mình nè!

4

Đề ra những chiến lược bạn có thể dùng để xây dựng thói quen này

Viết ra 3 chiến lược bạn sẽ sử dụng (bạn có thể dựa vào một số gợi ý ở trên) để đảm bảo bạn sẽ thực hiện thói quen này mỗi ngày.

5

Sẵn sàng hành động

Click vào hình bên dưới để phóng to, chọn chuột phải để lưu hình và in ra giấy A4 (hoặc bạn tự vẽ ra cũng được), điền vào thói quen và phần thưởng của bạn.

Và bắt đầu ngay thôi!

Click để phóng to hình và in ra giấy A4.

Thành công là thói quen. Bạn càng làm điều gì, bạn càng trở thành người như vậy.


Thói quen tháng 1 này bạn sẽ xây dựng là gì?

>