HÀNH trình năm mới

Ngày 5: Thanh lọc môi trường sống

Nếu bạn muốn thay đổi bản thân một cách tự nhiên, hãy thay đổi môi trường sống của bạn!

Môi trường ảnh hưởng đến bạn mỗi ngày

Trong một ngày đẹp trời thế này, còn gì tuyệt vời hơn là chúng ta cùng dọn dẹp lại môi trường sống của mình, nhỉ?!

Ấy, khoan hãy “tụt mood” vì phải đi dọn dẹp nhà. Bạn có biết 4 yếu tố ảnh hưởng đến bạn nhất trong cuộc sống chính là: Niềm tin, Thói quen, Ước vọng và Môi trường xung quanh không? 

Chính vì thế, dành thời gian để sắp xếp một môi trường thanh gọn và tích cực sẽ mang lại nguồn lực tuyệt vời cho bạn. 

Vì như bạn đã biết, con người chúng ta sống theo bản năng khá nhiều, dù muốn thừa nhận hay không. Bạn có thể ép bản thân làm cái này cái kia lúc mình còn hừng hực năng lượng. Nhưng trong tất cả những lúc còn lại, nếu laptop để sẵn trình duyệt Facebook thì bạn sẽ tự kéo chuột coi có gì mới, cạnh bàn có bịch snack cua thì bạn sẽ với tay ăn, hoặc chị em xung quanh cứ nói mãi "đàn ông tốt chết hết cả rồi" thì dần bạn cũng sẽ tin nó là thật.

Tạo ra một môi trường tích cực sẽ giúp cho bạn bớt suy nghĩ, bớt đấu tranh với chính bản thân mình. Hơn thế nữa, nếu thiết kế đúng chủ ý, bạn sẽ thấy mình làm việc hiệu quả hơn, tinh thần thư thái hơn, và tất nhiên là hạnh phúc với bản thân mình hơn.

3 không gian trong môi trường sống

Không gian bạn sống hình thành nên con người của bạn.

Từ giây phút bạn mở mắt, bạn đã chìm ngập trong vô số "thứ": Gia đình, Bạn bè, Việc học, Việc làm, Facebook, YouTube, Instagram, Phim ảnh, Sơn Tùng M-TP, Ăn cái gì, Đi chơi ở đâu, Quần áo, Đồ công nghệ, vân vân và mây mây.

Không may là, không phải "thứ" gì cũng hữu ích cho bạn. Nếu bạn muốn quản lý cuộc đời mình, bạn cần có can đảm để dọn dẹp và bỏ đi những thứ không cần thiết, và chỉ giữ lại những viên đá quý quanh mình.

Trong 1001 khía cạnh của cuộc đời, Tú sẽ khuyến khích bạn tập trung vào 3 không gian chính: Đồ đạc - Con người - Thông tin.

Đây là 3 không gian luôn tồn tại trong cuộc sống hàng ngày của bạn, và ảnh hưởng lớn đến cách bạn suy nghĩ, nhìn nhận và phản ứng lại với thế giới.


​Đồ đạc

Không gian vật lý là biểu thị của bộ óc bên trong của bạn. Nếu bạn vùi mình trong những góc làm việc bừa bộn, quần áo thì tứ tung và chỗ ngủ thì ngập rác, bạn không thể nào có được sự rõ ràng trong tư duy.

Hãy bắt đầu từ việc dọn phòng. Không phải là dời đồ đạc từ chỗ này sang chỗ khác đâu, mà thật sự thiết kế một không gian mà bạn có thể tập trung khi làm việc và thư giãn khi nghỉ ngơi.


Con người

Những con người bạn tiếp xúc, dù chủ ý hay vô tình, sẽ ảnh hưởng đến suy nghĩ, tinh thần và năng lượng của bạn.

Hãy thường xuyên thẩm định các mối quan hệ thân thiết của mình. Ở đây chúng ta không nói tới việc họ là “người tốt” hay “người xấu”. Tú không nghĩ ai có quyền đánh giá điều đó cả. Điều bạn có thể suy xét là việc tiếp xúc với họ (không phải con người họ) có ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực đến bạn.

Dành thời gian cho những người mang lại cảm giác tích cực đến bạn và những hoạt động bạn yêu thích. Và cố gắng tránh những người mang lại cảm giác tiêu cực cho bạn (uh tránh họ, ngay cả khi họ là người tốt!)

Nếu bạn không thể tránh họ (đặc biệt là gia đình và bạn bè), ít nhất hãy tập nhận thức sự tiêu cực đó. Bạn không cần đánh giá người khác, và bạn không cần tin lời họ nếu bạn không muốn. Hãy tin những gì hữu ích cho bạn. Trân trọng lời khuyên của họ, và chịu trách nhiệm cho niềm tin của mình.


Thông tin

Bạn có biết kiến thức của con người tăng gấp đôi mỗi 13 tháng? Không, bạn không cần thêm thông tin đâu. Bạn cần ít hơn rất nhiều. Biết được chuyện gì đang xảy ra với thế giới là tốt, nhưng việc một người phụ nữ trẻ vừa tự sát ở Zimbabwe vì cãi nhau với người yêu 12 năm của mình không ảnh hưởng đến cuộc đời bạn!

Đừng dành quá nhiều thời gian chết ngập trong những thông tin không cần thiết.

Cách bắt đầu tốt nhất để kiểm soát thông tin đến với bạn chính là từ những mạng xã hội và những điểm online bạn đang kết nổi thường xuyên nhất: như Facebook, YouTube, báo mạng và email.

Khi bạn đọc một tin tức, hãy suy nghĩ "thông tin này có hữu ích hay làm mình hạnh phúc?" Nếu câu trả lời là không, hãy xoá các nguồn thông tin đó khỏi điểm tiếp xúc với mình (unfollow, unsubscribe, chuyển tới hòm junk,...)

Dần dà, bạn sẽ thanh lọc được các nguồn thông tin đến với mình.

Thanh lọc môi trường sống của bạn

1

​Chọn một không gian bạn muốn thanh lọc

Thật sự cá nhân Tú thường dành ra cả một tháng để sắp xếp lại môi trường sống của mình, vì như bạn thấy, nó rất bự!

Trong phạm vi của Hành trình năm mới, chúng ta sẽ tập trung vào môi trường lý tính (đồ đạc) của bạn: Tủ quần áo, Bàn học/ làm việc, Góc ngủ nghỉ, …

Trong ngày hôm nay, hãy chọn ra một môi trường quan trọng với bạn để sắp xếp lại chúng.

2

 Chuẩn bị

Tạo cho mình một khoảng không gian đủ rộng (vì bạn sẽ cần thẩy đồ lung tung một tí và một khoảng thời gian đủ dài) và một khoảng thời gian đủ dài (để bạn không phải bị ngắt quãng trong lúc đồ đạc đang ở khắp mọi nơi) 

Lấy ra TẤT CẢ các món đồ tại khu vực đó, bày ra trước mắt bạn (tất cả những đồ vật trên và trong bàn của bạn nếu bạn dọn bàn, hoặc tất cả quần áo và vật dụng nếu bạn dọn tủ,...).

Tiếp đó, chuẩn bị 3 cái bao đựng đồ: Đồ bỏ đi, Đồ đem cho/bán, và Đồ chưa dùng đến.

3

Soạn ra những món đồ bạn không dùng

Những món đồ không còn dùng được nữa, hãy chất hết vào bao đồ bỏ đi. Đừng tiếc!

Những thứ còn dùng được nhưng đã lâu rồi bạn không sử dụng (trong 6 tháng trở lại đây chẳng hạn), hãy bỏ hết vào bao
đồ đem cho/ bán.

Nếu bạn bị-chu-toàn-quá và cứ băn khoăn “lỡ tương lai mình sẽ cần món này thì sao?” thì hãy bỏ chúng vào bao đồ chưa dùng đến.

4

Quyết định số phận những món đồ còn lại

Giờ thì 80% những thứ bạn có ban đầu đã được cất đi, chỉ còn 20% những món được xem như bạn thường sử dụng. Trong số này, hãy nhìn từng món đồ và đặt câu hỏi “Món đồ này có hữu ích về mặt chức năng hoặc cảm xúc cho mình?"

Nếu có, hãy giữ lại. Nếu không, hãy xem xét việc đem cho/bán nó cho những người cần hơn. Một lần nữa, nếu bạn quá lo lỡ-có-gì-xảy-ra, hãy bỏ chúng vào bao đồ chưa dùng đến.

5

Sắp xếp những món đồ hữu ích và làm bạn vui vẻ khi dùng

Giờ thì số lượng đồ đạc của bạn ít hẳn rồi, bạn có nhiều không gian để sắp xếp chúng lại cho tiện lợi với bạn hơn. Ví dụ như cây bút bạn viết mỗi ngày nên để trên bàn để dễ với tay lấy, còn những cây bút màu trang trí thì bạn có thể bỏ vào hộc bàn. Không có
công thức cụ thể, miễn là bạn thấy tiện lợi cho mình.

Một lưu ý là tốt nhất mỗi đồ vật của bạn nên có một “cái nhà” - nơi chúng thuộc về. Để mỗi khi sử dụng xong bạn có thể trả chúng lại vị trí cũ. Góc-phải-của-bàn-học KHÔNG phải là nhà. Đừng chỉ quăng cây bút lên đó. Những vật dụng linh tinh thì bạn
cần có một cái hộp hay rổ để đựng chúng vào.

Nếu đồ đạc mà không có nơi chốn nhất định thì đảm bảo tuần sau là mọi thứ lộn xộn ngay!

6

​Thiết kế môi trường tích cực cho bạn

Yayyy, nhìn lại môi trường thanh gọn bạn vừa mới sắp xếp, tự vỗ vai khen mình cái!

Sau đó hãy thưởng xíu cho bản thân bằng cách đặt câu hỏi: Điều gì cần có tại môi trường này để bạn thấy tích cực mỗi khi tiếp xúc với chúng?

Đó có thể là hộp tinh dầu cho góc bạn ngủ, bình nước cho chỗ làm việc, hay túi hút ẩm cho tủ quần áo. Một khung hình với một câu quote (châm ngôn) truyền động lực? Một chậu cây nhỏ xinh? Bộ sắp xếp dây điện gọn gàng?

Hãy nhớ điều bạn tìm KHÔNG PHẢI LÀ CÁI GÌ CHO ĐẸP, mà là điều khiến bạn thấy tích cực, khiến bạn thích dành thời gian ở môi trường đó, và giúp cho môi trường đó hiệu quả với bạn.

7

Giải quyết các bao đồ còn lại

Bao đồ chưa dùng đến thì mình đem cất này.

Bao đồ đem cho/bán thì bạn có thể hỏi người quen, đăng Facebook, hay dùng các trang Shopee, Chợ tốt, v.v. để tìm chủ mới cho chúng. Món đồ bạn không sử dụng có thể là món hời ai đó đang tìm kiếm đó. Đừng ngại chia sẻ giá trị đến những người xung quanh.

Bao đồ bỏ đi thì bạn xem thử có món nào tái chế được không. Hoặc có món nào không thể thải bỏ một cách bình thường không, ví dụ như pin, đồ điện tử,... Những món này bạn có thể google để biết cách thải bỏ đúng, tránh gây nguy hiểm cho xung quanh.

Những món đồ còn lại thì mình bỏ đi thôi.

​Bạn đọc tới đây là vô cùng xuất sắc luôn đấy!

Việc còn lại là bắt tay vào thanh lọc môi trường sống của mình thôi. 

Chia sẻ với bạn một góc nhỏ đối diện bàn làm việc của Tú, nơi Tú thiết kế một bảng dán tường để nhắc nhở mình về các mục tiêu năm nay - quý này - tháng này.

Còn không gian sống của bạn sau khi thanh lọc trông thế nào?

>